Reuters hôm 18/7 đã đăng bài viết của tác giả Ian Bremmer, cung cấp thêm một góc nhìn về sự kiện này.
Theo Bremmer, khi MH17 bị bắn rơi ở miền đông Ukraine, Kiev lập tức cáo buộc phe ly khai miền Đông, phải chịu trách nhiệm. Trong khi đó, phe ly khai miền đông tuyên bố, chính phủ Ukraine đã lên kế hoạch cho vụ tấn công, dẫn lại vụ quân đội nước này bắn rơi máy bay của hãng Siberian Airlines hồi năm 2001.
Mỹ và phương Tây cùng lúc “tấn công” Nga khi cho rằng Moscow đã có thể ngăn chặn được xung đột ở Ukraine nhưng không thực hiện. Tổng thống Vladimir Putin thì cho biết, Mỹ phải chịu trách nhiệm khi “bật đèn xanh” cho Kiev mở chiến dịch trấn áp phe ly khai miền đông.
Theo Ian Bremmer, nhiều chuyên gia phân tích cùng chỉ ra rằng, sự kiện MH17 là cơ hội để ông Putin dừng ủng hộ đối với phe ly khai Ukraine. “Tuy nhiên, rất ít có khả năng Nga nắm bắt cơ hội này”, theo Bremmer. Lý do bởi Nga vẫn muốn duy trì ảnh hưởng với Ukraine, ngăn Kiev ngả theo phương Tây để đảm bảo an ninh biên giới với châu Âu.
Ở vế thứ 2, Bremmer cho rằng với việc quy trách nhiệm cho phe ly khai miền đông, Mỹ và phương Tây có thể tăng các biện pháp trừng phạt lên Nga. Washington từ đầu đến nay vẫn cáo buộc Moscow hỗ trợ, cung cấp vũ khí cho phe ly khai miền đông. Trên thực tế với lý do này, Nhà Trắng mới đây đã đưa ra một loạt lệnh trừng phạt khắc nghiệt lên các doanh nghiệp Nga, bao gồm cả những tập đoàn lớn như Gazprom hay Rosneft.
Cuối cùng, với việc MH17 bị rơi, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko sẽ nhận được sự ủng hộ của quốc tế để từ đó tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch “chống khủng bố” ở miền đông Ukraine.
Từ khi lên nắm quyền, ông Poroshenko đã áp dụng các biện pháp cứng rắn với phe ly khai miền đông. Quân đội Ukraine vừa qua đã đạt được một số thành công khi giành lại quyền kiểm soát nhiều thành phố tại đây. Kiev có thể sẽ gia tăng tấn công Donetsk và Luhansk, theo Bremmer. Đây cũng là thực tế đang diễn ra tại hai thành phố này, khi giao tranh giữa đôi bên vẫn chưa có dấu hiệu tạm ngừng.