Ông Vyacheslav Shport cũng cho biết thêm, số máy bay này là một phần của bản hợp đồng mua với thời hạn 2 năm (2016-2018), mà theo đó tập đoàn quốc phòng Sukhoi của Nga sẽ cung cấp cho Trung Quốc tổng cộng 24 chiếc máy bay tiêm kích Su-35. Như vậy, với đơn hàng được công bố vào cuối tháng 11 năm ngoái này, Trung Quốc đã trở thành đối tác nước ngoài đầu tiên đặt mua máy bay Su-35 của Nga.
Su-35 là thế hệ máy bay chiến đấu đa năng, siêu cơ động thế hệ 4++ với đặc điểm và tính năng giống với máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm. Theo Tạp chí quốc phòng IHS Jane (Anh), tốc độ tối đa của chiếc Su-35 có thể lên tới 2,25 Mach (2,25 lần vận tốc âm thanh) ở độ cao 11.000 mét, gia tốc đạt 16.800m trong vòng 1 phút, trọng tải tác chiến là 8.000kg và tầm bay tối đa khi không mang thùng dầu phụ là 1.529km (trên mặt biển).
Hợp đồng mua bán giữa Trung Quốc và Nga không chỉ bao gồm việc mua bán tổng cộng 24 tiêm kích Su-35 (có giá trị lên tới 2 tỉ USD) mà còn bao gồm việc chuyển giao các thiết bị mặt đất và động cơ máy bay dự phòng. Cũng theo tờ IHS Jane, Trung Quốc đã mất nhiều năm đàm phán để có được bản hợp đồng mua Su-35 với dòng động cơ phản lực Saturn 117S do Nga sản xuất. Tư lệnh không quân Trung Quốc Hứa Kỳ Lượng (Xu Qiliang) đã bày tỏ sự quan tâm với máy bay chiến đấu Su-35 ngay sau khi xem chiếc tiêm kích này biểu diễn tại một triển lãm hàng không ở Trung Quốc, cách đây 8 năm (2008).
Mặc dù bản hợp đồng được khởi động từ năm 2011, song việc ký kết đã bị trì hoãn trong nhiều năm do cả hai bên không thể đi đến thống nhất ở một số điều khoản quan trọng. Một trong số nội dung thỏa thuận đầu tiên của bản hợp đồng đó là việc phía Nga yêu cầu Trung Quốc phải mua ít nhất là 48 máy bay, nhưng sau đó đã giảm xuống chỉ còn 24 chiếc.