Bên trong nhà máy Chernobyl. Ảnh: Reuters |
“Hiện phía Ukraine đang làm mọi cách để ngăn cản việc sửa chữa, khắc phục hậu quả. Điều này cho thấy hành động của những người theo chủ nghĩa dân tộc có tính chất cố ý và khiêu khích”, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Nikolai Pankov nói trong cuộc họp giao ban đặc biệt hôm 9/3.
Ông Pankov cho biết các chuyên gia Nga đã đảm bảo rằng nhà máy sẽ được cung cấp năng lượng bởi các máy phát điện diesel dự phòng. Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga Pavel Sorokin thông báo nhà máy có thể được kết nối với lưới điện của Belarus để đảm bảo nguồn điện thường xuyên.
“Chúng tôi muốn nhấn mạnh và cảnh báo rằng bất kỳ sự gián đoạn nào của các trạm nén khí hoặc các hành động khiêu khích đều là trách nhiệm của phía Ukraine”, Thứ trưởng Sorokin nói.
Quân đội Nga đã giành quyền kiểm soát nhà máy Chernobyl trong vòng vài giờ sau khi tiến vào Ukraine cách đây hai tuần, nhưng các cuộc giao tranh lẻ tẻ vẫn liên tục xảy ra.
Lực lượng Nga và Ukraine cùng kiểm soát nhà máy điện Chernobyl. Nguồn: RT |
Hôm 9/3, công ty năng lượng hạt nhân của Ukraine, Energoatom, cho biết liên lạc với Chernobyl đã bị cắt đứt, và cơ sở này “hoàn toàn bị ngắt kết nối với lưới điện”. Energoatom thông báo rằng vì có lực lượng Nga trong khu vực, nên các công nhân Ukraine không thể đến nhà máy để khôi phục hệ thống điện.
Ở thời điểm đó, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba cho biết một khi máy phát điện diesel dự phòng của nhà máy ngừng hoạt động, “thì hệ thống làm mát của cơ sở lưu trữ nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng sẽ ngừng hoạt động, gây nguy cơ rò rỉ phóng xạ ngay lập tức”. Ông Kuleba nói rằng điều này sẽ khiến "toàn bộ châu Âu gặp nguy hiểm."
Tuy nhiên, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết ngay sau đó rằng “hiện không có tác động nghiêm trọng đến vấn đề an toàn” tại nhà máy.
“Vì đã vụ tai nạn Chernobyl xảy ra đã quá lâu (năm 1986) nên tải nhiệt của bể chứa nhiên liệu đã qua sử dụng và khối lượng nước làm mát chứa trong bể đủ để duy trì hiệu quả làm mát mà không cần cung cấp điện”, IAEA cho biết.
Nằm cách Kiev khoảng 100km về phía bắc và cách biên giới Belarus 10 km, Chernobyl là nơi từng xảy ra một trong những thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất thế giới. Sự cố một lò phản ứng tan chảy hồi năm 1986 đã gây ra một đám cháy lớn và khiến hàng nghìn người sống gần đó bị phơi nhiễm mức độ phóng xạ nguy hiểm. Khu vực xung quanh nhà máy hiện vẫn chưa có người ở. Mặc dù không phát điện nữa, nhưng nhà máy vẫn cần được bảo trì liên tục để tránh xảy ra các sự cố tương tự.