Nếu rút Sơn Trà khỏi quy hoạch du lịch, Chính phủ cũng đồng ý

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam.
TP - Chiều 13/6, hai vấn đề nóng liên quan đến quy hoạch bán đảo Sơn Trà và “cấp phép ca khúc” được nhiều đại biểu chất vấn Bộ trưởng VH-TT-DL.

Bộ trưởng nhận trách nhiệm về “cấp phép ca khúc”

Phát biểu trước khi bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 13/6, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, những sự việc xảy ra gần đây liên quan đến công tác quản lý nhà nước tại Cục Nghệ thuật biểu diễn và Tổng cục Du lịch, cho dù bất kỳ nguyên nhân và lý do gì cũng thực sự đáng tiếc. “Đây là bài học sâu sắc với công tác quản lý nhà nước của ngành. Là bộ trưởng, tôi xin nhận trách nhiệm của người đứng đầu với những sự việc vừa qua”, ông Nguyễn Ngọc Thiện thẳng thắn.

Là một trong những người nêu chất vấn đầu tiên, ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hoá) dẫn báo cáo của bộ, cho thấy các hạn chế xoay quanh năng lực của cán bộ công chức, nhưng 7 giải pháp lại không đề cập đến việc thanh lọc, chấn chỉnh yếu tố con người. ĐB đề nghị bộ trưởng cho biết giải pháp của mình trong nhiệm kỳ để giải quyết vấn đề này?

Đề cập đến hoạt động cấp phép, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Phạm Tất Thắng nêu: Phải chăng vì thiên về hoạt động xin phép cấp phép nên cơ quan quản lý của bộ đã làm những việc không cần làm, như cấp phép 300 bài hát, trong đó có Quốc ca? Ông đề nghị bộ trưởng đánh giá việc cấp phép các hoạt động văn hóa nghệ thuật có bất cập gì, trách nhiệm của bộ cũng như giải pháp thời gian tới?

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, những vụ việc vừa qua, có thể nói do năng lực cán bộ. Bởi nếu năng lực tốt đã không xảy ra những việc như vậy. “Có cái sai không đáng có. Danh sách không yêu cầu mà cập nhật, khi cập nhật lại sai mục khi cho vào mục “cấp phép”. Có thể nói đây là cái sai nghiệp vụ sơ đẳng của cán bộ quản lý nhà nước”, ông Thiện nhìn nhận. Xoay quanh sự việc này, bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng cho biết, đã tiến hành kiểm điểm trách nhiệm, làm rõ nguyên nhân, trên cơ sở đó có giải pháp bồi dưỡng, nâng cao năng lực, đạo đức nghiệp vụ của cán bộ, thậm chí là thuyên chuyển cán bộ.

Ưu tiên bảo tồn Sơn Trà

Liên quan đến bán đảo Sơn Trà, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) chất vấn thẳng thắn “Việc thẩm định phê duyệt khu du lịch Sơn Trà - Đà Nẵng đã đúng quy trình thủ tục chưa? Có bảo đảm thống nhất khả thi không? Dựa vào tiêu chí nào để đưa ra con số 1.600 phòng? Quan điểm xử lý của bộ trưởng với những dự án hiện nay trên bán đảo Sơn Trà ra sao?”.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, quy hoạch khu du lịch quốc gia Sơn Trà, cơ sở pháp lý căn cứ vào Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị và Chiến lược quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến 2020 tầm nhìn 2030 được Thủ tướng phê duyệt, trong đó bán đảo Sơn Trà là một trong 47 tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia. Từ đó, Bộ VHTT&DL với sự thống nhất của UBND thành phố Đà Nẵng tiến hành cấp phép, lập quy hoạch khu du lịch Sơn Trà.

Sau khi xin ý kiến dự thảo quy hoạch, đã nhận được góp ý của 11 bộ ngành, trong đó có Bộ Quốc phòng, Công an, TN&MT, KH&ĐT, Xây dựng. Các ý kiến cơ bản thống nhất với quy hoạch. Sau đó, bộ tổ chức thẩm định, lập quy hoạch trình Thủ tướng phê duyệt. “Có thể khẳng định việc lập quy hoạch này được trình, phê duyệt theo đúng trình tự, thẩm quyền, phù hợp Luật Du lịch và các luật liên quan”, Bộ trưởng Thiện khẳng định.

Trong quy hoạch, có nội dung trước khi lập quy hoạch, Đà Nẵng đã cấp 25 dự án, trong đó có 18 dự án du lịch với số phòng hơn 5.000 phòng khách sạn. Khi làm quy hoạch tư vấn, chuyên gia, bộ cắt xuống còn 1.600 phòng.

“Khi có dư luận xảy ra, tôi là bộ trưởng, tôi luôn luôn trăn trở. Tôi ở Huế và từng có dự án tương tự, chính tôi cũng thấy thấm thía, cho nên lần nay chúng tôi đã lắng nghe, tiếp thu các ý kiến”, ông Thiện bày tỏ.

Chia sẻ về quan điểm phát triển du lịch Đà Nẵng và quy hoạch Sơn Trà, theo bộ trưởng Thiện, sẽ phát triển bền vững, có trách nhiệm. Trên tinh thần đó sẽ bảo vệ những giá trị nổi bật về đa dạng sinh học rừng, biển, sinh thái, môi trường của Sơn Trà. Đồng thời, gắn phát triển với bảo tồn, nhưng phải ưu tiên bảo tồn, giảm tối đa số lượng phòng, căn cứ vào tình hình và vì lợi ích của nhân dân.

Giải trình thêm về việc này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, đã yêu cầu lãnh đạo thành phố Đà Nẵng làm việc với Hiệp hội du lịch địa phương để trao đổi, đi đến đồng thuận.

Đà Nẵng sau khi rà soát các dự án, nếu thống nhất kiến nghị giảm quy mô đầu tư trên bán đảo Sơn Trà xuống, bất cứ mức nào Chính phủ đều đồng ý. Nếu thành phố cho rằng nên giữ nguyên trạng Sơn Trà, Chính phủ cũng hoan nghênh. Kể cả trong trường hợp Đà Nẵng thấy chưa cần phát triển du lịch Sơn Trà, xin rút khỏi quy hoạch du lịch quốc gia thì Chính phủ cũng đồng ý.  

Tranh luận tại phiên chất vấn, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cho biết, bán đảo Sơn Trà không phải của riêng Đà Nẵng. Yêu mến Sơn Trà không chỉ riêng người dân Đà Nẵng mà là người dân cả nước, cũng giống như với Hạ Long, Sơn Đoòng… “Bao nhiêu xương máu đã đổ để bảo vệ những di sản này. Chúng ta còn phải để lại cho con cháu mai sau. Do đó, không thể giao cho UBND TP Đà Nẵng muốn quyết thế nào cũng được. Khi có vấn đề và cử tri lên tiếng thì các cấp trên phải vào cuộc. Riêng tôi đề nghị, chúng ta phải hỏi ý kiến rộng rãi hơn và Chính phủ phải vào cuộc”, ông Nghĩa nêu.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.