Điều này cũng nằm trong “kịch bản” tính toán của NHNN về mức tỷ giá bình quân liên ngân hàng và biên độ tỷ giá được điều chỉnh thời gian qua. Và như thế, theo NHNN, tỷ giá VND/USD có dư địa đủ lớn để linh hoạt trước các diễn biến bất lợi trên thị trường trong và ngoài nước không chỉ từ nay đến cuối năm 2015 mà cả những tháng đầu năm 2016.
“Thời điểm FED tăng lãi suất trong thời gian tới sẽ không ảnh hưởng đến định hướng ổn định tỷ giá của NHNN” – cơ quan này nhấn mạnh. Đồng thời cho biết, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp khi cần thiết, nhằm đảm bảo cân đối cung cầu ngoại tệ, xóa bỏ các kỳ vọng sai lệch về tỷ giá để ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong biên độ cho phép.
Hiện có nhiều dự đoán cho rằng, trong cuộc họp tiếp theo vào cuối tháng 10 tới, vấn đề tăng lãi suất của FED tiếp tục được đặt ra. Theo TS Lê Xuân Nghĩa, ngay cả khi FED tăng lãi suất thì về cơ bản, thị trường tiền tệ Việt Nam sẽ ổn định, lãi suất huy động có dấu hiệu tăng nhẹ nhưng không ảnh hưởng lớn đến lãi suất cho vay, mặc dù tín dụng có xu hướng tăng. Tỷ giá hối đoái theo ông Nghĩa cũng sẽ ổn định và nằm trong khả năng kiểm soát của NHNN. Đồng thời do hiện tại lợi suất kép của việc nắm giữ VND vẫn cao hơn so với USD nên khó có sự dịch chuyển dòng tiền từ VND sang USD.
Đối với thị trường chứng khoán, các công ty chứng khoán đều thừa nhận nếu FED tăng lãi suất USD chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới thị trường. Khi đó, rất có thể nhà đầu tư nước ngoài sẽ bán chứng khoán ra để rút tiền chuyển về Mỹ gửi lấy lãi suất, thay vì đầu tư cổ phiếu ở Việt Nam.
Theo Standard&Poor’s (1 trong 3 hãng xếp hạng tín dụng và tín nhiệm lớn ở Mỹ cùng với Moody’s và Fit ch), với núi nợ 4.000 tỷ USD đáo hạn trong vòng 5 năm tới, các doanh nghiệp Mỹ sẽ phải đối mặt rất nhiều khó khăn nếu FED tăng lãi suất. Cả hai tên tuổi xếp hạng Moody’s and S&P khi phân tích cũng cho rằng, nhiều doanh nghiệp Mỹ sẽ sớm vỡ nợ trong những năm tới khi FED nâng lãi suất. Theo dự báo, tỷ lệ doanh nghiệp Mỹ có rủi ro tín dụng cao bị vỡ nợ sẽ chạm mức 2,9% cho đến tháng 6/2016, gần gấp đôi năm 2013.