Nên tăng đại biểu Quốc hội là chuyên gia các lĩnh vực

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao đổi với các đại biểu bên lề kỳ họp Ảnh: Như Ý
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao đổi với các đại biểu bên lề kỳ họp Ảnh: Như Ý
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình cho rằng, số đại biểu Quốc hội chuyên trách nên mở rộng ra với những trường hợp là các chuyên gia, nhà khoa học, luật sư… Họ đã nghỉ hưu, không ăn lương nhà nước, nhưng có trình độ, trí tuệ, đạo đức, có bản lĩnh và sức khỏe để tham gia hoạt động Quốc hội.

Không cơ cấu đại biểu vắng mặt nhiều, ít đóng góp

 Tại kỳ họp lần thứ 9 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) và thành lập Hội đồng Bầu cử Quốc gia. Về đại biểu chuyên trách, việc nâng tỷ lệ lên ít nhất 40% đã được Quốc hội lựa chọn. Quan điểm của ông thế nào trước nhiều ý kiến cho rằng, cần ưu tiên các chuyên gia, nhà khoa học tham gia Quốc hội?

Việc tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách là một yếu tố cần thiết. Cách làm này cũng được hầu hết các nước trên thế giới áp dụng. Còn ở Việt Nam phần lớn là kiêm nhiệm, số đại biểu chuyên trách chỉ khoảng 30%, tối đa 35%. Định hướng sắp tới và Luật Tổ chức Quốc hội vừa được thông qua đã nâng tỷ lệ đại biểu chuyên trách lên ít nhất 40%. Nhưng điều này lại liên quan đến Nghị quyết của Chính phủ về tinh giản biên chế. 

Để thực hiện tốt chủ trương này và không ảnh hưởng đến việc tinh giản biên chế, theo tôi, số đại biểu Quốc hội chuyên trách nên mở rộng ra với những đối tượng là các chuyên gia, nhà khoa học, luật sư… Họ đã nghỉ hưu, không ăn lương nhà nước, nhưng có trình độ, trí tuệ, đạo đức, có bản lĩnh và sức khỏe để tham gia hoạt động Quốc hội. Như vậy, vừa thực hiện được tinh giản biên chế, vừa nâng cao được chất lượng đại biểu tại nghị trường Quốc hội. Theo tôi, điều này vô cùng cần thiết.

Nhiều người cho rằng, cần giảm bớt số lượng đại biểu kiêm nhiệm, đặc biệt với đại biểu kiêm nhiệm như bí thư tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh, thậm chí “tư lệnh ngành” cũng nên nhường ghế để tăng số lượng đại biểu chuyên trách lên. Ông thấy sao về việc này? 

Đúng là số lượng đại biểu kiêm nhiệm cũng chỉ nên dừng lại ở mức độ vừa phải. Hiện nay nhiều đối tượng cùng tham gia Quốc hội, nhưng chỉ tham gia vậy thôi và không có một đóng góp gì cả. Trong khi đó với Quốc hội thì chất lượng đại biểu là hết sức quan trọng. 

Mỗi khóa Quốc hội cũng chỉ giới hạn với 500 đại biểu. Nên để tăng số lượng đại biểu chuyên trách, dù muốn hay không vẫn phải giảm các thành phần, đối tượng khác. Tất nhiên, phải rà soát thật sự kỹ, xem giảm đối tượng nào, thành phần nào. Điều này, trong quá trình thực hiện, Ban Công tác đại biểu và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có hướng dẫn cụ thể trong tổ chức thực hiện. Làm sao vừa đảm bảo tinh thần của Luật Tổ chức Quốc hội, vừa đảm bảo Nghị quyết của Chính phủ nhưng cũng phù hợp với thực tiễn. Ví dụ, những ngành nào mà đại biểu thường vắng mặt, hoặc chỉ đến tham dự kỳ họp mà không đóng góp gì thì không nên cơ cấu, đưa vào Quốc hội.

Cân nhắc họp trực tuyến

 Tại kỳ họp lần thứ 9 vừa qua có rất nhiều điểm mới lần đầu được thực hiện. Ông đánh giá gì về chất lượng kỳ họp qua?

Dịch covid -19 đã nảy sinh rất nhiều vấn đề đáng phải lưu tâm, đặc biệt hình thức họp trực tuyến. Điều này thể hiện sự tiếp cận nhanh của chúng ta với công nghệ thông tin và công nghệ 4.0. Đối với Quốc hội, năm 2019, các đại biểu rất ghi nhận sự đột phá khi đã dùng máy tính bảng iPad để tập hợp tất cả các tài liệu, thông tin phục vụ kỳ họp.

Nên tăng đại biểu Quốc hội là chuyên gia các lĩnh vực ảnh 1 Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương

Trong kỳ họp 9, Quốc hội vừa họp trực tuyến (đợt 1) vừa họp tập trung (đợt 2). Khi vừa diễn ra đợt họp trực tuyến, không ít đại biểu và các đoàn đại biểu Quốc hội còn băn khoăn, lo lắng khi đăng ký, phát biểu thảo luận, tranh luận có gặp trở ngại, khó khăn không. Nhưng khi bước vào họp trực tuyến, thấy công tác tổ chức thực hiện rất chu đáo, nghiêm túc, đại biểu tham gia phát biểu, tranh luận sôi nổi. Dù là bước đầu, song có thể nói, hoạt động trực tuyến rất hiệu quả. Kết thúc đợt họp trực tuyến, Quốc hội tiến hành họp tập trung như thường lệ.

Lần họp này cũng có những điểm đổi mới. Trước tiên là thay chất vấn trực tiếp bằng văn bản. Phiên thảo luận 2 ngày về kinh tế xã hội tại nghị trường cũng có những thay đổi. Chất lượng phiên thảo luận cao hơn, đại biểu phát biểu rất thẳng thắn, trực diện, nêu bật được những vấn đề nóng được dư luận quan tâm, phản ánh được tâm tư nguyện vọng của người dân, đồng thời đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị đối với Chính phủ trong nhiều lĩnh vực.

Cùng với đó, các ý kiến tranh luận, báo cáo giải trình của các bộ trưởng, trưởng ngành cũng rất rõ ràng. Ví dụ khi Bộ Công Thương trả lời ý kiến phát biểu của tôi, cũng nêu rất rõ ràng và đã đưa ra những lời hứa để thực hiện tốt trong thời gian sắp tới. Đặc biệt, từ các phiên thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng có báo cáo giải trình, tiếp thu, tổng kết đánh giá với chất lượng cao hơn.

Điểm mới nhất trong kỳ họp này là Quốc hội tiến hành họp trực tuyến tại 63 điểm cầu. Trước những thành công đạt được, có đại biểu đề xuất Quốc hội nên chia thành 4 đợt và có áp dụng họp trực tuyến như kỳ họp vừa qua?

Theo đôi, đó là ý kiến sáng tạo của đại biểu nhưng không nên tách ra như vậy. Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội đều quy định mỗi năm họp 2 kỳ. Bên cạnh đó, các bộ ngành, chính quyền địa phương bao giờ cũng có sơ kết 6 tháng và tổng kết cả năm. Quốc hội cũng nên làm như vậy để vừa sơ kết, vừa tổng kết, vừa có những ý kiến thảo luận và thời gian chuẩn bị. 

Tôi ví dụ trong công tác lập pháp, Quốc hội có trách nhiệm xây dựng pháp luật thì phải có thời gian chuẩn bị, có tổ chức hội thảo tập hợp ý kiến rồi mới đưa ra Quốc hội. Nếu chia thành nhiều đợt, vừa vất vả trong công tác chuẩn bị, lại vất vả trong đi lại và thiếu thời gian để góp ý xây dựng pháp luật cũng như việc giám sát các lĩnh vực khác.

Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, tổ chức họp trực tuyến sẽ tiết kiệm được chi phí ngân sách, và đại biểu địa phương cũng có điều kiện giải quyết công việc tốt hơn, thưa ông?

Họp trực tuyến sẽ thuận lợi cho nhiều đại biểu địa phương. Trong điều kiện nhất định nào đó, chẳng hạn như dịch bệnh COVID-19 vừa qua, họp trực tuyến là cần thiết để hạn chế tập trung đông người, hạn chế lây lan dịch bệnh và nhiều vấn đề khác. Hay các hội nghị của các ủy ban, họp đại biểu Quốc hội chuyên trách thì nên áp dụng họp trực tuyến.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, họp trực tuyến vẫn có những điểm hạn chế. Có những đoàn ở các tỉnh còn vắng nhiều đại biểu, thậm chí có những đoàn chỉ có một đại biểu tham gia. Rồi trong quá trình triển khai trực tuyến vẫn không thể tránh khỏi những trục trặc, như lúc đại biểu đứng dậy phát biểu rồi, nhưng lại không kết nối được âm thanh nên phải tạm dừng. Hoặc khi mời phát biểu, trên màn hình không được rõ nét…

Mặt khác, khi họp tập trung, các đại biểu có điều kiện gần gũi, tiếp cận với nhau và có những trao đổi, thảo luận trực tiếp sẽ hiệu quả hơn. Nếu ở nhà thì tách biệt, nên sẽ có nhiều hạn chế. Đó là chưa kể tính nghiêm túc khi họp trực tuyến, nhiều khi đại biểu thích thì nói chuyện, rồi vẫn nhắn tin, làm việc riêng… Nhìn chung, sau kỳ họp này cần phải rà soát, đánh giá, tổng kết lại mới khẳng định được có tiết kiệm chi phí hay không và có đạt hiệu quả, chất lượng như họp tập trung không.

Cảm ơn ông!

“Theo tôi, số đại biểu Quốc hội chuyên trách nên mở rộng ra với những đối tượng là các chuyên gia, nhà khoa học, luật sư… Họ đã nghỉ hưu, không ăn lương nhà nước, nhưng có trình độ, trí tuệ, đạo đức, có bản lĩnh và sức khỏe để tham gia hoạt động Quốc hội”.

 “Số lượng đại biểu kiêm nhiệm chỉ nên dừng lại ở mức độ vừa phải. Hiện nay, nhiều đối tượng cùng tham gia Quốc hội, nhưng chỉ tham gia vậy thôi và không có một đóng góp gì cả. Trong khi đó với Quốc hội, chất lượng đại biểu là hết sức quan trọng”.

MỚI - NÓNG