Bao bọc quanh sao Hỏa là một bầu khí quyển, nhưng rất mỏng với mật độ chưa bằng 1% mật độ khí quyển của chúng ta trên Trái đất. Một trong những cách để làm tăng độ dày của khí quyển sao Hỏa là làm sao để giải phóng khí CO2 tích tụ trên hành tinh này nhiều hơn, và các nhà khoa học cũng đã biết có một lượng CO2 đang bị mắc kẹt phía dưới các lớp băng và đá trên sao Hỏa.
Một trong những phương pháp được đề xuất để cung cấp thêm khí CO2 vào bầu khí quyển của sao Hỏa là ném bom vào các cực của nó . Điều này chắc chắn sẽ giải phóng thêm một lượng khí CO2 bị mắc kẹt trên các cực băng.
Tuy nhiên, một nghiên cứu mới được công bố trên tờ Nature Astronomy cho thấy, lượng CO2 được giải phóng là quá ít để làm tăng áp suất khí quyển trên hành tinh này lên ngưỡng sự sống có thể tồn tại được. Do đó, biện pháp này chẳng mang lại tác dụng gì.
Theo các nhà nghiên cứu, nếu chúng ta giải phóng được lượng khí CO2 tích tụ dưới các nắp băng của sao Hỏa, nó sẽ chỉ làm tăng độ dày của khí quyển sao Hỏa lên khoảng bằng 1,2% khí quyển của Trái Đất. Thậm chí, nếu con người bằng cách nào đó phát minh ra cách để giải phóng lượng khí CO2 từ tất cả vật liệu trên sao Hỏa (điều này về bản chất là không thể), cũng sẽ chỉ làm tăng khí quyển lên xấp xỉ 6,9% khí quyển của Trái đất.
Việc thay đổi các thuộc tính của một hành tinh để làm cho nó có môi trường như Trái đất, nơi con người có thể tồn tại là một khái niệm đã được phổ biến từ lâu trong khoa học viễn tưởng. Tuy nhiên, trên thực tế, việc chúng ta tạo ra một hệ thống biến đổi thuộc tính của các hành tinh, trong đó có sao Hỏa để biến thành nơi con người có thể sinh sống được vẫn còn cả một chặng đường dài.
Các kế hoạch dự kiến của NASA nhằm đưa phi thuyền có người lái đến sao Hỏa vào khoảng những năm 2030 vẫn đang gặp rắc rối về vấn đề ngân sách và sự chậm trễ ngày càng tăng khiến giấc mơ này ngày trở nên xa vời.