Năng lượng & môi trường

Năng lượng & môi trường
TP - Khoảng sáu mươi nhà báo, nhà hoạt động bảo vệ môi trường và các chuyên gia năng lượng đã dự hội thảo “Quản lý tổng hợp Rừng đầu nguồn và lưu vực sông Đồng Nai - Trường hợp thủy điện Đồng Nai 6 và 6A” do Liên hiệp các Hội KHKT phối hợp với VRN-Mạng lưới sông ngòi Việt Nam tổ chức tại Vườn Quốc gia Cát Tiên trong 2 ngày 6 và 7-8.

Không ai nói ngược lại về nguy cơ phá vỡ cân bằng sinh thái trên dòng sông mang nặng trọng trách gánh tới hơn 20 dự án thủy điện, phần nội dung được dành cho nhiều diễn giả giới thiệu những bản thuyết trình sinh động bằng cả thông số cụ thể lẫn những hình ảnh ấn tượng.

Tuy nhiên, không khí tranh luận mang tính phản biện cao giữa những nhóm trí thức có quan điểm khác nhau, giữa nhu cầu năng lượng với môi trường, giữa một số phóng viên tâm huyết lao vào cuộc chiến bảo vệ rừng với đại diện nhà đầu tư xây dựng dự án thủy điện, vẫn khiến hội thảo nhanh chóng nóng lên.

Nguồn tài liệu khá dày dặn cung cấp từ các bên tham gia hội thảo đủ giúp đại biểu nghe hiểu rõ hơn cái giá phải trả cho mỗi quyết định của Chính phủ liên quan tới tới số phận của những dòng sông phải hy sinh dòng chảy, hy sinh phù sa, tôm cá và sự nguyên vẹn từng nuôi dưỡng nhiều vạn cư dân vùng hạ lưu, để góp phần giải bài toán khát năng lượng cho nền kinh tế.

Trong câu chuyện bảo tồn sôi nổi được khơi lên bên hành lang hội thảo, có chi tiết bất ngờ được chính giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên đưa ra: Từ đầu năm 2010 tới nay Vườn quốc gia không còn tìm thấy thêm một dấu vết mới nào chứng tỏ còn tồn tại một cá thể sống của loài tê giác.

Giáo sư Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam phải nhiều lần xin phát biểu với nỗi băn khoăn: Liệu có còn con tê giác nào trong Vườn quốc gia Cát Tiên không?

Câu hỏi được đặt ra là: Từ trước đến nay, chương trình bảo tồn tê giác đã được tạo điều kiện hoạt động thế nào, và làm được những gì. Tin vui UNESCO ra thông báo chính thức đổi tên khu Dự trữ sinh quyển Cát Tiên thành Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai và công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới chưa lâu, thì đã nảy sinh nghi vấn: Rất có thể bộ xương tê giác một sừng phát hiện trong Vườn quốc gia Cát Tiên tháng 4-2010, là dấu vết cuối cùng của loài động vật đặc hữu, có vai trò quan trọng góp phần vào việc giúp UNESCO công nhận vùng rừng trên lưu vực sông Đồng Nai này là Khu dự trữ sinh quyển thế giới ?

Chỉ với một chi tiết đó thôi cũng đủ khiến những người dự khán giật mình. Rồi còn bao loài, bao cá thể đặc hữu nữa biến mất khi chúng ta chưa lượng hóa được cái giá phải đổi giữa năng lượng và môi trường?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG