Nâng chất lượng dịch vụ, hút dân tham gia BHYT

Nâng chất lượng dịch vụ, hút dân tham gia BHYT
TP - Thủ tục thanh toán và khám chữa bệnh của người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) còn nhiều phiền hà trong khi chất lượng dịch vụ chưa tương xứng với quyền lợi của bệnh nhân là những nguyên nhân tạo rào cản trong thực hiện BHYT toàn dân.

> Vô lý viện phí

Tại hội nghị góp ý “Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020” diễn ra ở TPHCM ngày 13-8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, phải thực hiện bằng được mục tiêu: Đến năm 2015 sẽ có 75% dân số tham gia BHYT và năm 2020 là 90%.

Bà Tống Thị Song Hương- Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, đến cuối năm 2011 có 55,9 triệu người tham gia BHYT. Tuy nhiên, người này cho biết, con số này vẫn còn khiêm tốn.

“Nhóm có tỷ lệ đóng khá cao là người hưu trí, người có công… do bảo hiểm xã hội đóng đạt 99,9% và nhóm do ngân sách Nhà nước đóng đạt 91,8%, nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ một phần như hộ nghèo, cận nghèo và học sinh - sinh viên đạt trên 70%” - bà Song Hương cho biết.

Tuy nhiên, nhóm do người lao động đóng và người sử dụng lao động đóng đạt tỷ lệ thấp, chỉ 58,8%. Nguyên nhân, do phần lớn doanh nghiệp tư nhân không đóng hoặc trốn đóng BHYT cho người lao động.

Bác sĩ Lưu Thị Thanh Huyền- Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội TPHCM cho biết, do người lao động thiếu thông tin về quyền lợi của mình khi tham gia BHYT nên người sử dụng lao động tìm cách trốn đóng.

“Chế tài xử lý người sử dụng lao động không đóng BHYT chưa được thực thi nên các doanh nghiệp vẫn ù lì đóng BHYT cho công nhân”- bác sĩ Huyền nói.

Theo bà Tống Thị Song Hương, hiện số người tham gia đóng BHYT tự nguyện chỉ chiếm 26% số dân cả nước.

“Những người mua bảo hiểm này đã có bệnh mạn tính và chi phí điều trị cao. Còn người khỏe mạnh thì rất ít mua BHYT”- bà Hương cho biết.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, chính điều này là nguyên nhân gây nên vỡ quỹ bảo hiểm trong thời gian qua. “Ở nước ngoài, quyền lợi người tham gia BHYT một năm khác người tham gia nhiều năm. Còn chúng ta thì khi bị ung thư hay bệnh nặng mới đóng bảo hiểm và hưởng quyền lợi ngay là ưu ái cho người đóng BHYT nhưng lại tạo sự mất công bằng”- bà Nguyễn Thị Kim Tiến nói.

Bác sĩ Lê Hoàng Minh- Giám đốc BV Ung bướu TPHCM cho biết, có nhiều trường hợp vào viện được phát hiện ưng thư, sau đó mới tham gia mua BHYT tự nguyện để được BHYT lo chi phí điều trị.

Bên cạnh đó, nhiều trường hợp khi phát hiện bệnh mạn tính mới âm thầm tìm mua BHYT. Tại BV Truyền máu và Huyết học TPHCM, tỷ lệ đối tượng BHYT tự nguyện mắc bệnh ung thư có số lượt nằm viện và khám bệnh chiếm tới 53% tổng lượt khám và điều trị của bệnh viện.

“Đối tượng này chiếm chi phí tới 45% trên tổng chi phí khám chữa bệnh của toàn bệnh viện”- đại diện BV Truyền máu huyết học cho biết.

Ông Vũ Hoàng Cương- Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh An Giang cho biết, tại tỉnh này hộ nghèo đã được hỗ trợ tối đa nhưng toàn tỉnh cũng có 53% số người tham gia BHYT.

Ông nói chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh BHYT là trở ngại lớn khiến người dân không mặn mà. “Hầu như người dân không thích khám chữa bệnh ban đầu ở trạm y tế phường, xã do không có bác sĩ và máy móc thiết bị”- ông Cương nói.

Ông Nguyễn Hồng Vỹ- Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang nêu băn khoăn: Vượt tuyến thì không được thanh toán BHYT trong khi ở lại thì trạm y tế toàn y sĩ, điều dưỡng làm sao dân chịu được.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, để thu hút người dân tham gia BHYT, bắt buộc phải nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh.

“Cần thiết hơn là bệnh viện phải thay đổi thái độ phục vụ, mở thêm nhiều cửa phục vụ người dân, nhất là tại phòng khám để hạn chế chờ đợi”- bà Tiến yêu cầu .

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG