Tại Khoản 1 Điều 16 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ đã quy định chi tiết về các trường hợp ngừng sử dụng HĐĐT, tuy nhiên thực tế cho thấy vẫn còn tình trạng người nộp thuế (NNT) có hành vi gian lận HĐĐT nhằm mục đích trốn thuế và chiếm đoạt tiền thuế GTGT, hợp pháp hóa các khoản chi phí để chiếm đoạt tiền NSNN.
Phát biểu tại cuộc họp, Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành cho biết, sử dụng hóa đơn không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn không chỉ gây thất thu cho NSNN mà còn gây ra tình trạng thiếu công bằng, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh lành mạnh.
Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. |
Để hạn chế và chấm dứt tình trạng gian lận trong sử dụng hóa đơn và tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia và kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Tài chính, ngành Thuế đã xây dựng và triển khai Hệ thống HĐĐT, đồng thời, triển khai Ứng dụng có chức năng tự động phát hiện, cảnh báo và ngăn chặn các hành vi vi phạm trong sử dụng HĐĐT trên ứng dụng quản lý HĐĐT.
Tuy nhiên, thực tiễn triển khai HĐĐT cho thấy, Ứng dụng cũng đã bộc lộ những hạn chế cần phải có sự điều chỉnh, nâng cấp, vì vậy tại cuộc họp, Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành yêu cầu Ban Quản lý rủi ro (Tổng cục Thuế) cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá những điểm hạn chế và phối hợp với Cục Công nghệ thông tin và các đơn vị nghiệp vụ nghiên cứu và cập nhật chức năng hỗ trợ quá trình đánh giá, rà soát và cập nhật kết quả lên hệ thống…
“Quá trình quản lý thuế từ thủ công sang tự động là một quá trình dài, phức tạp phải luôn cập nhật những phát sinh trong thực tiễn để đưa ra giải pháp chuyển đổi số phù hợp với công tác quản lý thuế, từ đó góp phần xây dựng một môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, minh bạch, bình đẳng, vì vậy tôi đề nghị các đơn vị nghiệp vụ cần nâng cao tinh thần trách nhiệm trong nghiên cứu hoàn thiện Ứng dụng theo hướng minh bạch, hiện đại.” - Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành chỉ đạo.
Dự cuộc họp có đại diện Lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Tổng cục Thuế, đại diện Cục Thuế TP. Hà Nội cùng Chi cục thuế quận Đống Đa và Cầu Giấy. Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị nghiệp vụ và cơ quan thuế địa phương đã chia sẻ thực tế quản lý thuế tại địa phương. Theo đó, các ý kiến đều nhận định việc triển khai Ứng dụng quản lý HĐĐT qua phân tích rủi ro theo các tiêu chí đánh giá để xác định NNT có rủi ro cao đã hỗ trợ đáng kể cơ quan thuế các cấp trong việc đưa ra nhận định về NNT có nhiều dấu hiệu nghi ngờ gian lận khi sử dụng hóa đơn để đưa vào kiểm tra, thanh tra.
Thông qua Ứng dụng quản lý HĐĐT, đại diện các đơn vị cũng chia sẽ nhiều giải pháp được các đơn vị đang áp dụng thời gian qua để có thể khai thác được tối đa những lợi ích, hạn chế, khắc phục những tồn tại của ứng dụng.
Ứng dụng quản lý hóa đơn điện tử (HĐĐT) sẽ tự động gửi thông báo hàng ngày cho người nộp thuế là người bán thuộc danh sách cảnh báo sử dụng HĐĐT và có phát sinh HĐĐT trong ngày cảnh báo.
Tổng cục Thuế tính đến hết ngày 29/3/2024, đã có trên 50.303 cơ sở kinh doanh đã đăng ký sử dụng, số lượng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền trên 252,8 triệu hóa đơn. Sau hơn một năm thực hiện HĐĐT từ máy tính tiền bước đầu đạt được những kết quả tích cực làm tiền đề cho việc tiếp tục mở rộng triển khai các giải pháp nhằm quản lý lĩnh vực bán lẻ, chống thất thu thuế, tăng cường quản lý sử dụng HĐĐT, góp phần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số.
Tổng cục Thuế cho biết, thời gian qua, song song với việc triển khai các ứng dụng thuế điện tử, để góp phần tích hợp cơ sở dữ liệu, phục vụ công tác quản lý thuế cũng như quản lý nhà nước nói chung, ngành Thuế đã đẩy mạnh và triển khai ứng dụng HĐĐT. Đây là một trong những thông tin quản lý quan trọng cần phải được hệ thống hóa chuẩn mực, cập nhật với thông lệ quốc tế để phục vụ tốt hơn cho việc khai thác và sử dụng thông tin.
Đại biểu phát biểu trao đổi tại cuộc họp triển khai ứng dụng cảnh báo xuất hóa đơn điện tử. |
Từ khi ngành Thuế triển khai hệ thống HĐĐT (ngày 01/7/2022) đến nay, thông qua các quy trình nghiệp vụ quản lý thuế, cơ quan thuế thực hiện phân tích, đối chiếu, đánh giá đối với từng hóa đơn điện tử mà người nộp thuế gửi vào hệ thống dữ liệu HĐĐT, từ đó phát hiện việc sử dụng không hợp pháp hóa đơn cũng như sử dụng hóa đơn không hợp pháp và xử lý kịp thời các sai phạm, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật được thực thi, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng.
Với nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, hệ thống HĐĐT lưu vết toàn bộ dữ liệu của người mua, người bán; dữ liệu HĐĐT cũng đã tích hợp với hệ thống các dữ liệu của cơ quan quản lý thuế nói riêng và cơ quan quản lý nhà nước khác nói chung, nên trường hợp người mua, người bán có các hành vi vi phạm về hóa đơn để kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, giảm số thuế giá trị gia tăng phải nộp, tăng số thuế giá trị gia tăng được hoàn, hợp thức hóa cho hàng hóa mua trôi nổi, buôn lậu, lập khống chi phí phát sinh, làm giảm thu nhập chịu thuế dẫn đến giảm số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp… sẽ bị phát hiện và xử lý theo quy định.