Nâng cao hiệu quả của báo chí cho vùng sâu vùng xa

Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Hồ Lài
Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Hồ Lài
TP - “Ngoài tuyên truyền những cái cụ thể, người tốt, việc tốt, cần phải có những tìm tòi, phát hiện, dùng ngòi bút trợ lực Ủy ban dân tộc xây dựng chính sách dân tộc hiệu quả”, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Lê Sơn Hải phát biểu tại hội thảo “Hiệu quả của báo chí cấp cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012-2015”.

Tại hội thảo “Tác dụng, hiệu quả của các ấn phẩm báo chí, tạp chí cấp cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012 - 2015” tổ chức ngày 8/5 tại thành phố Vinh, Nghệ An, các đại biểu đã khẳng định ảnh hưởng của công tác tuyên truyền thông qua các ấn phẩm báo chí đã đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội vùng đặc biệt khó khăn; giúp đồng bào học hỏi và áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; thực hiện các mô hình kinh tế trang trại, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tăng năng suất và chất lượng, góp phần nâng cao đời sống; góp phần thúc đẩy nhanh xóa đói giảm nghèo, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, nâng cao cảnh giác và ngăn ngừa những luận điệu tuyên truyền của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

“Ngoài tuyên truyền những cái cụ thể, người tốt, việc tốt, cần phải có những tìm tòi, phát hiện, dùng ngòi bút trợ lực UBDT xây dựng chính sách dân tộc hiệu quả, phù hợp. Cơ chế phát hành cần phải xem xét lại, để báo chí có thể đến nhanh với người dân vùng sâu vùng xa”.

Thứ trưởng Lê Sơn Hải

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng trình độ học vấn của đồng bào còn thấp, nên các ấn phẩm báo chí cần tăng cường tranh ảnh minh họa, in chữ to, sử dụng ngôn từ gần gũi với đời sống của đồng bào. Thường xuyên rà soát, bổ sung báo, tạp chí cho các đối tượng mới phát sinh, cụ thể là già làng, trưởng bản, người có uy tín để các thông tin trên báo chí đến được với bà con hiệu quả hơn. Đặc thù các vùng miền núi xa xôi, địa bàn rộng lớn, báo chí đến tay người dân thường bị chậm trễ. Ngành bưu điện cần xác định công tác chuyển tải báo, tạp chí đến với đồng bào là nhiệm vụ chính trị.

Các đại biểu là người già, uy tín, đại diện cho bà con dân tộc thiểu số, miền núi của các bản, xã thuộc vùng sâu vùng xa phát biểu ý kiến tham luận. Ông Sầm Văn Hiền, Bí thư bản Hiệp An, xã Thông Thụ, Quế Phong, Nghệ An, cho biết: “Bản Hiệp An là một trong 9 bản tái định cư thủy điện Hủa Na, thuộc xã vùng cao biên giới, được Chính phủ, Nhà nước cấp phát một số báo, tạp chí. Nhờ đó, bà con trong bản có điều kiện tiếp cận, nắm bắt các chủ trương, chính sách đồng thời phát huy vai trò trách nhiệm của người cán bộ trực tiếp tuyên truyền”. Ông Hiền cũng đề nghị xã, huyện thường xuyên tổ chức cho các xóm trưởng, già làng đi tham quan thực tế mô hình phát triển kinh tế, phù hợp với bà con miền núi và đưa về áp dụng tại các thôn, bản.

Nâng cao hiệu quả của báo chí cho vùng sâu vùng xa ảnh 1

Thứ trưởng Lê Sơn Hải

Kết luận hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Lê Sơn Hải cảm ơn sự đóng góp thẳng thắn, nhiều ý kiến hay, đề xuất nhiều ý tưởng mới của các đại biểu. Thứ trưởng đánh giá cao các đóng góp về mặt tuyên truyền, chăm lo đời sống tinh thần và hướng dẫn cách xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc cũng như các hoạt động xã hội - từ thiện đối với các đối tượng đồng bào vùng sâu, xa, dân tộc của các báo trong những năm qua. 

Bên cạnh đó, Phó Chủ nhiệm UBDT cũng thẳng thắn phê bình một số báo tham gia chương trình, nhưng chưa quan tâm phát triển các nội dung phục vụ đối tượng thụ hưởng, đặc biệt là chưa tích cực nghiên cứu, xem xét tính phù hợp của các chính sách, đề xuất các chính sách mới hợp lý đối với đồng bào dân tộc - điều đặc biệt cần thiết. Ông Hải cũng phê phán hiện tượng để báo dồn đống tại các trụ sở xã ở nhiều nơi, không đưa kịp thời xuống thôn bản.

MỚI - NÓNG