Nắn dòng kiều hối vào sản xuất, kinh doanh

TP - Lập các quỹ như kiều hối bất động sản, quỹ kiều hối hỗ trợ sản xuất vừa và nhỏ, đề xuất phát hành trái phiếu từ nguồn kiều hối để xây dựng hạ tầng… là các giải pháp để TPHCM phát huy nguồn lực vàng kiều hối.

Tăng nhưng chưa xứng tầm

TPHCM là trung tâm thu hút lượng kiều hối lớn nhất cả nước. Theo thống kê, cả nước có gần 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài; trong đó khoảng 2,8 triệu người có liên hệ với TPHCM. Hàng năm, kiều hối chuyển về TPHCM chiếm 38 - 53% tổng mức kiều hối chuyển về Việt Nam thông qua các kênh ngân hàng thương mại, các tổ chức kinh tế, công ty kiều hối... Năm 2023, kiều hối về TPHCM đạt 9,5 tỷ USD (tương đương 228.000 tỷ đồng); trong 6 tháng đầu năm 2024, con số này là 5,18 tỷ USD.

Nắn dòng kiều hối vào sản xuất, kinh doanh ảnh 1

Cty CP Dh Foods do ông Nguyễn Trung Dũng (kiều bào Ba Lan) đầu tư tại TPHCM. Ảnh: U.P

Bà Mira Nguyễn (kiều bào Mỹ) cho biết, nhiều năm liền đều gửi tiền về nước cho người thân chủ yếu với mục đích đầu cơ. Theo đó, nhà người ở Việt Nam sẽ gửi tiết kiệm ở ngân hàng hoặc mua bất động sản chờ lên giá để bán kiếm lời. “Tuy nhiên, điều tôi mong muốn hơn hết là được đầu tư vào Việt Nam bằng chính thông tin của mình. Tôi có thể mở tài khoản ngân hàng tại quê nhà, tham gia đầu tư vào các dự án để phát triển kinh tế trên quê hương mà không phải thông qua bên thứ ba” - bà Mira Nguyễn cho biết.

Ông Peter Hồng (kiều bào Úc) - Chủ tịch Hội Doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài cho biết, tại TPHCM cứ hai người dân thì có một người thân là kiều bào ở nước ngoài. Bà con kiều bào gửi tiền về cho người thân là điều tất yếu. Trong năm 2023 vừa qua, kiều hối về TPHCM đạt hơn 9,5 tỷ USD, trong đó có điểm mới là hơn 20% kiều hối đầu tư vào doanh nghiệp vừa và nhỏ của gia đình. Đây là sự đầu tư căn bản và bền vững. Tuy nhiên so với lượng kiều hối của các nước, với hơn 6,5 triệu kiều bào trên toàn cầu, đây là con số chưa xứng tầm.

Ông Peter Hồng cho rằng, để thu hút và phát huy hiệu quả nguồn kiều hối, trở thành “lực đẩy” quan trọng đóng góp kinh tế Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng rất cần những chính sách đột phá về kiều bào và kiều hối. Cụ thể như tạo điều kiện để kiều bào có thể mua nhà tại Việt Nam; tăng cường thu hút nguồn lực kiều bào tham gia vào các chương trình, công trình, dự án trọng điểm của Nhà nước và thành phố thông qua việc phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền thành phố vì có nhiều ưu điểm “Chúng tôi sẽ vận động kiều bào mua trái phiếu để thành phố có vốn đầu tư” - ông Peter Hồng cho biết.

Theo các chuyên gia kinh tế, ngoài thu hút kiều hối thông qua kênh phát hành trái phiếu cho kiều bào, thì bất động sản cũng kỳ vọng nguồn kiều hối sẽ trợ lực cho thị trường này trong thời gian tới. Nhất là khi luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8, cho phép Việt kiều được đầu tư, kinh doanh bất động sản như công dân trong nước. Việt kiều sẽ được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi đủ điều kiện.

“Cần nắn dòng kiều hối vào các lĩnh vực chiến lược như sản xuất, y tế, giáo dục, và công nghệ cao có thể tạo ra những cú hích lớn cho nền kinh tế. Việt Nam có thể phát triển các sản phẩm tài chính như quỹ đầu tư kiều hối, trái phiếu kiều bào. Đây là một chiến lược hiệu quả để không chỉ thu hút dòng kiều hối về Việt Nam, mà còn nắn dòng tiền này vào những lĩnh vực chiến lược, phục vụ cho mục tiêu phát triển”.

TS Bùi Duy Tùng - giảng viên Kinh tế Đại học RMIT Việt Nam

Mở cửa đầu tư cho kiều bào

Mới đây, UBND TPHCM đã phê duyệt Đề án Chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn TPHCM từ nay đến năm 2030. Theo đề án, sẽ có các chính sách để thu hút và phát huy nguồn lực kiều hối, như định hướng nguồn kiều hối tham gia vào thị trường tài chính (thị trường chứng khoán, cổ phiếu...) hình thành kênh dẫn vốn từ người nhận kiều hối với mục đích tiết kiệm đến người kinh doanh.

Hỗ trợ chuyển vốn từ người không có cơ hội đầu tư sinh lợi đến những người có cơ hội đầu tư sinh lợi. Định hướng huy động nguồn kiều hối vào kế hoạch cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, bán các tài sản công… Đồng thời hỗ trợ kết nối các tổ chức tài chính, công ty kiều hối nhằm đa dạng hình thức chuyển tiền.

TPHCM cũng sẽ đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét cho phép người nước ngoài có gốc Việt Nam không cư trú ở Việt Nam nói chung và thành phố nói riêng được mở tài khoản, được lựa chọn giữ tiền gửi bằng ngoại tệ hoặc bằng Việt Nam đồng được chuyển gốc và lãi bằng ngoại tệ đã chọn. Các tổ chức tài chính, công ty kiều hối trên địa bàn TP.HCM cũng nghiên cứu đề xuất xây dựng 3 sản phẩm “tài khoản song song”, một trong các tài khoản được dùng để gửi tiền về cho gia đình tại thành phố và người thân của họ tại thành phố được toàn quyền sử dụng tài khoản đó. Tài khoản thứ hai chỉ người Việt Nam ở nước ngoài mới có thể truy cập và có thể được sử dụng để tích lũy tiền cho đầu tư sau này.

“TPHCM xác định kiều hối đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, kiều hối chuyển về thành phố từng bước dịch chuyển vào thị trường chứng khoán, đầu tư trái phiếu, hợp tác sản xuất kinh doanh, dịch vụ và bất động sản. Đây là xu hướng tích cực, góp phần trực tiếp vào việc mở rộng đầu tư trong nước, tạo việc làm trong nền kinh tế và tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước từ các hoạt động sản xuất và kinh doanh” - đề án nêu.

Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM Nguyễn Đức Lệnh cho biết, để triển khai thực hiện đề án, ngành ngân hàng sẽ tập trung làm tốt nhiệm vụ về mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ chi trả kiều hối cho người thụ hưởng; tham mưu về cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút nguồn lực kiều hối và phối hợp làm tốt công tác thông tin truyền thông, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Trong đó, phối hợp để triển khai những giải pháp về việc tập trung và khuyến khích sử dụng kiều hối vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

MỚI - NÓNG