Nam sinh 6 năm đến trường bằng đôi chân của chị

Cõng em trai nặng 56 kg lên 3 tầng thang bộ của trường học, đôi chân người chị run rẩy, có lúc tưởng sắp ngã quỵ.

Trần Tuấn Anh, tân sinh viên Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) có khuôn mặt bầu bĩnh, luôn tươi cười, nhưng đôi chân không cử động bởi bệnh loạn dưỡng cơ Duchence.

Từ khi học lớp 6, cậu học trò ở xã Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội) thấy đôi chân yếu dần, không đạp xe được nữa. Được bố hoặc chị gái đèo đến lớp, em vịn bờ tường đi cho đến năm lớp 7 thì chân không thể cử động. Càng lớn, Tuấn Anh càng nặng nề, không thể nâng được chân, không tự mặc được quần.

Động viên con trai, bố mua cho Tuấn Anh chiếc máy tính để học tập, sau này có thể tự lập bằng bàn tay, khối óc của mình. Bố mẹ bận chăm mấy sào rau, việc đưa đón Tuấn Anh do chị gái Trần Thị Xuân (sinh năm 1991) đảm nhận.

Nam sinh 6 năm đến trường bằng đôi chân của chị ảnh 1

Tuấn Anh đi nhận học bổng Tiếp sức đến trường dành cho sinh viên nghèo có hoàn cảnh khó khăn bằng đôi chân của chị. Ảnh: Phương Hòa.

Đồng hành suốt 6 năm, đôi vai Xuân cứ dần nặng thêm khi em trai trưởng thành. Đoạn đường hơn 10 km từ nhà đến trường, Xuân phải lo liệu cho em vì cơ thể Tuấn Anh khá yếu ớt. Cõng em nặng 56 kg lên 3 tầng thang bộ của trường học, đôi chân Xuân run rẩy, có lúc tưởng sắp ngã quỵ.

Xuân còn nhớ có lần chở em trai đến đoạn đường đang thi công thì bị người khác va vào khiến xe đổ. Xuân vội ôm lấy em vì sợ bị va đập xuống đất, bị thương khiến bố mẹ lo lắng. Nhắc đến người cha, Xuân rớm nước mắt. Ngày em trai đậu Đại học Quốc gia với 107 điểm, ông đã qua đời vì mắc bệnh ung thư.

Đến nay, người chị gái dù có gia đình nhưng vẫn đưa đón em đi học. Cô tính thời gian để sinh em bé vào dịp Tuấn Anh được nghỉ ở nhà ôn thi để khi em bé cứng cáp vẫn đưa đón được em đi học. Người chị nhận việc kế toán làm tại nhà với mức lương ít ỏi để vừa phụ mẹ lo cho em, vừa chăm sóc chồng con.

"Em vẫn thường đùa với mẹ rằng, giờ mẹ chăm con trai 6 tháng tuổi của con, còn con chăm con trai 18 tuổi của mẹ", Xuân cười nói. Cô may mắn có được người chồng biết chia sẻ. Cả hai yêu nhau từ hồi còn là sinh viên, bạn trai đưa Tuấn Anh đi học buổi sáng, Xuân đưa em đi học buổi chiều, đến giờ vẫn vậy.

"Chính vì có chị và cả gia đình động viên, luôn ở bên cạnh nên em chưa bao giờ thấy yếu ớt dù sức khỏe không tốt. Em biết ơn chị vì những gì đã hy sinh cho em", Tuấn Anh ngồi bên cạnh tiếp lời.

Nói về tương lai, Tuấn Anh muốn trước hết học xong 4 năm đại học. Trong thời gian đó, em sẽ phấn đấu để có thành tích tốt, nghiên cứu khoa học, viết phần mềm... như những sinh viên chuyên ngành công nghệ bình thường khác.

Tuấn Anh mơ ước làm một website có thể giúp các bạn trẻ học tốt và yêu thích lịch sử. Với chàng trai 18 tuổi, công nghệ thông tin là tình yêu thứ hai sau lịch sử. Em chọn ngành này vì thấy phù hợp với sức khỏe của bản thân. 

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.