Theo Gome Holdings, một trong những trung tâm mua sắm trực tuyến hàng đầu của Trung Quốc, quần áo là mặt hàng được cánh mày râu mua nhiều nhất trong nửa đầu năm nay, chứ không phải là sản phẩm điện tử như trước đây.
Báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Kantar World cho thấy doanh số bán hàng sữa rửa mặt dành cho nam giới đạt hơn 1,5 tỷ nhân dân tệ (235 triệu USD) trong quý đầu tiên năm nay, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Asia One cho hay, quảng cáo mỹ phẩm nam giới tràn ngập trên thị trường không chỉ thúc đẩy hoạt động mua sắm trong ngày Độc thân vừa qua ở Trung Quốc, mà còn cho thấy sự thay đổi trong nhận thức của đàn ông nước này về ngoại hình.
Trong xã hội hiện đại, khi vị thế của phụ nữ ngày càng được nâng cao và sự lệ thuộc vào đàn ông về tài chính ngày càng giảm, ngoại hình trở thành yếu tố quan trọng với nam giới để cạnh tranh trên thị trường hôn nhân. Sự chênh lệch giới tính qua nhiều thập kỷ là nguyên nhân của tình trạng nam giới ế vợ ở Trung Quốc. Dự kiến đến năm 2020, con số này đạt khoảng 30 triệu người.
Theo khảo sát của Bain Capital năm 2014, tỷ lệ phụ nữ Trung Quốc có việc làm là 73%, cao hơn so với Mỹ và châu Âu. Dù mức lương chỉ bằng 65% so với nam giới, họ vẫn có thể độc lập về kinh tế.
Một người đàn ông chăm sóc da mặt tại hội chợ làm đẹp ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Ảnh: China Daily.
Vì có việc làm ổn định, phụ nữ có thể ít quan tâm đến thu thập của đàn ông mà thay vào đó là ngoại hình và cách cư xử của họ khi kén chồng. Chính điều này đã tạo sức ép khá lớn với đàn ông Trung Quốc, buộc họ phải chăm chút đến vẻ bề ngoài nhiều hơn.
Một yếu tố khác để đàn ông Trung Quốc quan tâm đến diện mạo là mong muốn theo đuổi lối sống lành mạnh. Nghiên cứu của IBIS World, một công ty thông tin thương mại Australia, chỉ ra rằng doanh thu của các trung tâm thể hình tại Trung Quốc đã tăng từ 582 triệu USD trong năm 2004 lên gần 3,7 tỷ USD trong năm 2012, và dự đoán đạt hơn 6,8 tỷ USD trong ba năm tới. Sự tăng trưởng này được lý giải một phần là do đàn ông Trung Quốc muốn có thân hình quyến rũ hơn.