Myanmar: Kêu gọi người dân tụ tập đọc kinh, thách thức quân đội dịp nghỉ năm mới

0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa: Reuters
Ảnh minh họa: Reuters
TPO - Những người phản đối cuộc đảo chính ở Myanmar hôm thứ Hai kêu gọi người dân tiếp tục thách thức quân đội bằng cách mặc trang phục tôn giáo và đọc kinh cầu nguyện trong kì nghỉ năm mới sắp tới.

Lễ mừng năm mới truyền thống, còn được gọi là Thingyan ở Myanmar, là ngày lễ quan trọng nhất năm. Trong dịp lễ này, người dân cùng nhau cầu nguyện, lau chùi tượng Phật và vẩy nước trên đường phố.

Kì nghỉ năm nay kéo dài từ ngày 13/4 đến ngày 17/4.

Viết trên Facebook, Ei Thinzar Maung – một nhà hoạt động kêu gọi người dân tăng cường các hành động thách thức quân đội trong dịp nghỉ lễ Thingyan.

“Quân đội không kiểm soát Thingyan. Quyền con người nằm trong tay con người”, Maung viết. “Mọi người cần đoàn kết để giữ lại lễ Thingyan của nhân dân.”

Maung kêu gọi các Phật tử mặc trang phục tôn giáo, các tín đồ Cơ đốc giáo mặc đồ trắng và cùng nhau đọc kinh cầu nguyện để thể hiện tinh thần đoàn kết, không khuất phục.

Hôm nay, 12/4, đã có báo cáo trên mạng xã hội về vụ nổ súng của lực lượng an ninh ở thị trấn Tamu. Thông tin thương vong chưa được tiết lộ.

Trong khi đó, tờ Global New Light of Myanmar – một tờ báo của nhà nước - trong bài báo về bạo lực ở Bago trước đó một ngày, cho biết những người biểu tình trang bị vũ khí đã tấn công lực lượng an ninh. Một kẻ bạo loạn đã thiệt mạng.

“Xác lựu đạn và vỏ đạn tại hiện trường cho thấy những kẻ bạo loạn đã sử dụng vũ khí.”

Ở một diễn biến liên quan, bà Aung San Suu Kyi – cựu Cố vấn Nhà nước Myanmar – đã tham dự một phiên tòa vào hôm nay, thông qua video trực tuyến.

Tại tòa, bà Suu Kyi yêu cầu được gặp trực tiếp luật sư bào chữa.

Bà Suu Kyi, người đang bị quản thúc, đang phải đối mặt với năm cáo buộc, bao gồm nhập khẩu trái phép bộ đàm và vi phạm các quy định phòng chống COVID-19. Bà cũng bị buộc tội tham nhũng và hối lộ. Tuy nhiên, cáo buộc nghiêm trọng nhất nhằm vào bà Suu Kyi là vi phạm Đạo luật Bí mật Quốc gia, có mức án tù lên đến 14 năm.

Đáp lại, các cáo buộc chống lại bà Suu Kyi đã được luật sư của bà mô tả là "bịa đặt".

Theo Reuters
MỚI - NÓNG