Mỹ - Trung và thế giới

Mỹ - Trung và thế giới
TP - Thế giới sẽ chứng kiến hai sự kiện quan trọng trong tuần tới. Đó là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2012 vào ngày 6-11 và Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 vào ngày 8-11, hai cuộc chuyển giao lãnh đạo được đánh giá là sẽ định hướng chiều hướng phát triển chính trị, kinh tế thế giới trong những năm tới.

Việc thay đổi lãnh đạo ở hai quốc gia này không chỉ có ý nghĩa lớn đối với chính các quốc gia nói trên mà còn tác động rất lớn đến tình hình quốc tế.

Với tư cách là các cường quốc, Mỹ và Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong nhiều vấn đề quốc tế lớn từ chính trị đến kinh tế, từ các cuộc khủng hoảng tại Trung Đông như Libya, Syria đến cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu.

Bên cạnh đó, quan hệ giữa hai cường quốc này sẽ ra sao sau năm 2012 cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến tình hình thế giới.

Đơn cử như việc Mỹ chuyển hướng trọng tâm ngoại giao sang khu vực châu Á -Thái Bình Dương. Bắc Kinh với tư cách là một quốc gia châu Á đương nhiên coi châu lục này là sân nhà.

Trong khi đó, Mỹ cũng đưa ra quan niệm tương tự vì cho rằng Mỹ từng có sự liên hệ chặt chẽ với khu vực này trong quá khứ và giờ đây việc chuyển hướng ngoại giao chỉ là trở về nhà sau một thời gian đi xa.

Sự đụng độ về các lợi ích địa chính trị liệu sẽ trở nên nghiêm trọng hơn hay được làm dịu đi khi các thế hệ lãnh đạo mới lên cầm quyền?

Đối với kinh tế, Washington luôn không hài lòng với việc Bắc Kinh ấn định giá đồng nội tệ thấp hơn so với thực tế vì cho rằng đây là hành động cố tình để tạo lợi thế xuất khẩu.

Trung Quốc luôn bác bỏ lời chỉ trích này và cho đến giờ chưa có dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh sẽ nhượng bộ.

Câu hỏi đặt ra là liệu các thế hệ lãnh đạo mới ở hai quốc gia có tiếp tục duy trì quan điểm của mình hay không và những diễn biến tiếp theo sẽ tác động thế nào lên kinh tế thế giới.

Trong khi ứng cử viên Mitt Romney của Mỹ tỏ lập trường cứng rắn thì đương kim Tổng thống Barack Obama mềm mỏng hơn.

Có vẻ như ông Obama hiểu rất rõ tác động của việc Trung Quốc đang nắm giữ một lượng lớn trái phiếu Mỹ vì vậy trong giới hạn cho phép ông sẽ tránh để kích động quốc gia châu Á này.

Với thời gian cách nhau chỉ hai ngày, hai sự kiện chuyển giao quyền lực này đang được cả thế giới theo dõi bởi vì bên cạnh ý nghĩa quốc gia, bầu cử tổng thống Mỹ và Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc thực sự là những diễn biến mang ý nghĩa toàn cầu.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.