Vụ B-52 diễn ra từ hôm 10/12, nhưng đến ngày 19/12, Bộ Quốc phòng Trung Quốc mới làm um lên, lên án Mỹ cố tình gây căng thẳng trong khu vực biển Đông. Theo South China Morning Post, Trung Quốc yêu cầu Washington “ngay lập tức thực thi các biện pháp nhằm ngăn chặn những sự cố tương tự có thể làm tổn hại quan hệ quân sự hai nước”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi yêu cầu Mỹ ngừng các hoạt động khiêu khích sau động thái điều 2 máy bay B-52 bay gần đảo nhân tạo Trung Quốc. Bắc Kinh còn lặp lại đe dọa rằng, sẽ tiến hành những biện pháp cần thiết để “bảo vệ chủ quyền và an ninh Trung Quốc”. Trên thực tế, Trung Quốc đã bồi đắp, xây dựng trái phép một số đảo nhân tạo thuộc khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Reuters dẫn lời ông Bill Urban, người phát ngôn của Lầu Năm Góc, nói rằng, Mỹ vẫn thường xuyên tiến hành các đợt bay huấn luyện cho B-52 trên vùng trời biển Đông, nhưng không có kế hoạch đưa B-52 bay sát đảo nhân tạo. Chuyến bay vừa qua “không thuộc chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải”, ông nói. Một phát ngôn viên khác của Lầu Năm Góc, ông Mark Wright, nói với hãng tin AP rằng, có thể thời tiết xấu đã khiến máy bay Mỹ bay lạc qua đảo.
Trung Quốc thể hiện sự tức tối trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung đang căng thẳng về việc Washington quyết định bán một lượng vũ khí lớn cho Đài Loan. Bắc Kinh đã triệu tập đại diện ngoại giao Mỹ để phản đối và tuyên bố sẽ tiến hành các biện pháp cần thiết, bao gồm trừng phạt các công ty tham gia việc bán vũ khí cho Đài Loan.
Theo Navy Times, các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định, trong năm 2016, hải quân Mỹ sẽ thường xuyên tổ chức các cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải trên biển Đông, tương tự lần đưa tàu khu trục USS Lassen và máy bay ném bom B-52 tới gần các đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép.
“Chúng ta cần nhớ rằng, hải quân Mỹ đã tuần tra bảo vệ tự do hàng hải từ thời Tổng thống Jimmy Carter còn tại vị”, giáo sư hàng hải Craig Allen thuộc Trường Luật ĐH Washington (Mỹ) nhấn mạnh. Hạm đội 7 của Mỹ, đang đóng ở Nhật Bản, thực hiện nhiệm vụ tuần tra biển Đông.
Washington sẽ tiếp tục điều các tàu khu trục và tàu tuần dương tới tuần tra gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép. Có thể tàu chiến gần bờ Fort Worth (đang có mặt ở Singapore) cũng sẽ tham gia tuần tra. Nguồn tin hải quân Mỹ tiết lộ, Nhật Bản cũng đang xem xét tuần tra bảo vệ tự do hàng hải trên biển Đông. Trước đó, Bộ Quốc phòng Úc xác nhận nước này triển khai máy bay P-3C Orion đến biển Đông như hãng BBC đưa tin.
Nội bộ Trung Quốc tranh cãi liên quan vụ kiện của Philippines
Trung Quốc đang phải đối mặt vụ kiện của Philippines ở Tòa án Trọng tài thường trực ở The Hague (Hà Lan). Bloomberg và AP dẫn nguồn tin từ Bắc Kinh tiết lộ, nội bộ Bộ Ngoại giao Trung Quốc đang tranh cãi dữ dội về việc không chuẩn bị một cách đầy đủ và nghiêm túc để đối phó đơn kiện của Philippines.
Phát biểu tại Bắc Kinh, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói với báo chí rằng, trái ngược với sự hỗn loạn và bất ổn ở những nơi khác trên thế giới, “tình hình biển Đông về cơ bản là ổn định tổng thể”.
Nhưng ông Vương cũng tuyên bố, “các nước bên ngoài khu vực” (ám chỉ Mỹ) nên làm nhiều hơn để được hưởng lợi từ hòa bình và ổn định, cũng như nỗ lực tìm ra một giải pháp thông qua đàm phán, chứ “chớ nên gây căng thẳng, thậm chí đổ thêm dầu vào lửa”.