Tàu sân bay lớp Ford của Mỹ được đóng từ năm 2005. Tàu đầu tiên, USS Gerald R Ford, được biên chế từ tháng 7/2017 và dự kiến được triển khai từ năm 2022. Bốn tàu khác đang trong các giai đoạn đóng khác nhau, thời điểm hoàn tất nằm giữa giai đoạn 2024 -2034.
Trong khi đó, hải quân Trung Quốc (PLAN) đang phát triển tàu đầu tiên do Trung Quốc tự thiết kế. Sau khi kết thúc thành công chuyến đi biển thử nghiệm lần thứ năm vào tháng 2 và 3/2019, chiếc tàu sân bay lớp Type 001A đầu tiên được nói là sẽ đi vào phục vụ từ cuối năm nay. Hãy làm một cuộc so sánh giữa hai tàu sân bay mới của Mỹ và Trung Quốc, từ kích cỡ, tốc độ, trang bị vũ khí và chi phí, xem mèo nào cắn mỉu nào.
Tàu USS Gerald R Ford có thể mang hơn 75 máy bay trong khi các tàu ra đời sau đó như USS Enterprise và USS John F Kennedy có thể mang tới 90 máy bay chiến đấu. Chính vì thế, các tàu lớp Ford đều rất đồ sộ, lượng choán nước 100.000 tấn, dài 337m, chỗ rộng nhất tới 78m.
Trong khi đó, tàu Type 001A mang được 38-40 máy bay, bằng một nửa so với tàu Mỹ. Điều bất lợi là tuy mang một nửa số máy bay nhưng kích cỡ chỉ kém tàu lớp Ford một chút: Tàu Type 001A dài 315m, rộng 71m. Lợi thế của tàu Trung Quốc là lượng choán nước chỉ có 70.000 tấn khi đầy tải.
Tốc độ là một thước đo quan trọng đối với tàu sân bay bởi chúng thường xuyên được triển khai nhanh tới một nơi nào đó trên thế giới, và phải đủ nhanh để tránh bị phát hiện và tấn công.
Tàu lớp Ford, theo Naval Technology, có thể di chuyển với tốc độ 55,6km/h còn tàu Type 001A nhanh hơn một chút, ở mức 57,4km/h. Tuy nhiên, khi xét đến việc nhẹ hơn tới 30.000 tấn, nhanh hơn chưa đến 2km/h thì không có gì ấn tượng.
Để tạo động lực cho khối thép đồ sộ, tàu lớp Ford được trang bị hai lò phản ứng hạt nhân, có thể sản sinh 700MW điện. So với tàu sân bay lớp tiền nhiệm là Nimitz thì đã tăng 25%.
Trong khi đó, tàu Type 001A Trung Quốc sử dụng động cơ turbin hơi nước với các máy phát điện chạy bằng diesel. Cấu hình này được nói là tiết kiệm chi phí do diesel giá rẻ hơn xăng hay nhiên liệu khác.
Về trang bị vũ khí: các tàu sân bay luôn cần đến năng lực phòng thủ để bảo vệ nhiều máy bay cùng hàng ngàn người trên tàu. Tàu lớp Ford được trang bị hai bệ phóng tên lửa RIM-162 Evolved SeaSparrow và các tên lửa đối không RIM-166 RAM. Các tàu lớp Ford ra đời sau có thể còn được trang bị các hệ thống laser để chống lại các tên lửa dẫn đường tốc độ cao.
“Phòng thủ trước các tên lửa dẫn đường bằng GPS tốc độ cao đòi hỏi hệ thống vũ khí phòng thủ nhanh hơn, ví dụ như súng laser”, theo nhận định của RAND, một tổ chức nghiên cứu của Mỹ.
Hơn nữa, tàu Ford còn được bố trí ba hệ thống đánh chặn tầm gần Phalanx mỗi hệ thống có 4 khẩu súng máy M2 50cal.
Tàu Type 001A sử dụng ba hệ thống Type 1130 CIWS, tương tự như trên tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc là Liêu Ninh. Một hệ thống Type 1130 có 11 thùng đạn, được nói là có thể bắn với tốc độ 11.000 viên/phút chống lại tên lửa chống hạm với tốc độ Mach 4 với tỷ lệ thành công 96%, theo Navy Recognition. Nó còn được trang bị 3 hệ thống tên lửa phòng không HHQ-10, mỗi hệ thống có 18 ống phóng. HHQ-10 hoàn toàn tự động, thời gian phản ứng từ 6-8 giây.
Chi phí cho mỗi tàu sân bay là khác biệt, nhưng chương trình Type 001A có tổng chi 9 tỷ USD cho hai tàu. Trong khi đó, toàn bộ chương trình đóng tàu lớp Ford tiêu tốn 37,3 tỷ USD. Tàu đầu tiên, USS Gerald R Ford ngốn 12.8 tỷ USD, cộng thêm 4,7 tỷ USD cho nghiên cứu phát triển. Tàu thứ hai, USS John F Kennedy, rẻ hơn một chút, ở mức 11,3 tỷ USD.