Mỹ sẽ ‘dụ’ Trung Quốc như thế nào?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TPO - Trung Quốc tham gia vào tập trận Vành đai Thái Bình Dương 2014 (RIMPAC 2014), Mỹ vui như “mở cờ trong bụng”. Mục tiêu tiếp theo của Mỹ là duy trì và mở rộng sự hợp tác an ninh với Trung Quốc. 

Trong báo cáo mới nhất trình Quốc hội về phát triển quân sự và an ninh liên quan tới Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Mỹ đã nhấn mạnh việc “xây dựng mối quan hệ quân sự với Trung Quốc bền vững và thực chất”.

Báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dùng quan hệ quân sự với Trung Quốc như một cách thức khuyến khích Trung Quốc đóng góp mang tính xây dựng đối với các nỗ lực của Mỹ, đồng minh, đối tác và cộng đồng quốc tế nhằm duy trì hòa bình và ổn định.

Trong đó, hợp tác an ninh có thể gồm hợp tác bán quân sự hay ở mức độ cảnh sát, chứ không nhất thiết cứ phải ở dạng quy mô lớn như RIMPAC.

Nhà phân tích Natalie thuộc viện Chính sách chiến lược Astralia (ASPI) và Nghiên cứu sinh về An ninh quốc gia Nicole Yeo thuộc Trung tâm An minh Mỹ mới (CNAS) cho rằng, có 3 cách tiếp cận khác mà Mỹ, đồng minh và đối tác có thể dùng để tăng cường “hợp tác” với Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA):

1. Sử dụng các nước “không liên kết” làm trung gian

Trước những căng thẳng gần đây trên biển Đông, đòi hỏi các nước ASEAN cũng phải tăng cường phối hợp với Trung Quốc, gồm cả tập trận quân sự.

Với tư cách là một cường quốc châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ đương nhiên sẽ nhận được những lời mời tham gia các hoạt động này, ban đầu có thể với tư cách quan sát viên. Đây là con đường giúp Mỹ mở rộng tập trận với Trung Quốc.

Indonesia có thể là ứng viên làm trung gian lý tưởng cho Mỹ. Không những không phải là quốc gia Đông Nam Á là bên tranh chấp trên biển Đông, Indonesia còn lập trường trung lập và không phải là đồng minh của Mỹ.

Indonesia vốn tự hào với chính sách “tự do và tích cực” – và thúc đẩy ý tưởng “cân bằng năng động”,  khuyến khích một trật tự châu Á-Thái Bình Dương không bị chi phối bởi một quốc gia nào.

Vì vậy, Indonesia có vai trò tích cực trong khuyến khích mối quan hệ tốt đẹp giữa các nước châu Á-Thái Bình Dương và tham gia xây dựng cấu trục khu vực.

Chính vì vậy, Indonesia có thể tích cực theo đuổi một tập trận đa phương với Mỹ, Trung Quốc và  Australia. Với tư cách là quốc gia lớn nhất trong ASEAN, Indonesia là ứng viên lý tưởng để xúc tiến đề xuất này, cùng với đó là ý tưởng đưa ASEAN trở thành trung tâm của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Năm 2011 và 2012, Tồng thống Indonesia Yudhoyono  đề xuất Trung Quốc tham gia vào tập trận giảm nhẹ thiên tai của khu vực, trong đó gồm cả sự tham gia của Lính thủy đánh bộ Mỹ đóng ở Darwin, Australia.

Ngay sau đó, Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Samuel Locklear đã khẳng định sự ủng hộ của Washington đối với đề xuất của Tổng thống Yudhoyono trong chuyến thăm Canberra tháng 7/2012.

Các ý tưởng hình thức tham gia tập trận có thể từ vai trò quan sát viên như sự tham gia của Trung Quốc lần đầu tiên ở tập trận RIMPAC năm nay.

Bắt đầu bằng tập trận trên sơ đồ, một hoạt động 4 bên có thể được mở rộng trong tương lai gồm các đối tác khác như Singapore, New Zealand và Malaysia. Ngoài giảm nhẹ thiên tai, tất cả các quốc gia trung gian này có thể dần mở rộng khuôn khổ hợp tác ra các lĩnh vực khác.

2. Khuyến khích chủ nghĩa đa phương của Trung Quốc

Theo mô tả của Trợ lý chính phụ trách phòng Đông Á và Thái Bình Dương Ngoại trưởng Mỹ Scot Marciel, thực tế, nhiều quan chức chính phủ Tổng thống Obama từng ủng hộ Trung Quốc có vai trò lớn hơn trong các thể chế khu vực.

Trong diễn văn tại Đối thoại Shangri-La năm nay, Trung tướng Vương Quán Trung của PLA, Phó Tổng tham mưu trưởng PLA, thông báo lời mời của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc tới Bộ trưởng Quốc phòng các nước Đông Nam Á tham gia một Hội nghị đặc biệt các Bộ trương  Quốc phòng Trung Quốc – ASEAN vào năm 2015.

Cả nội dung và thời giam thông báo đều gây bất ngờ,  nhất là khi mà trong tháng 3/2014, các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN tới Hawaii lần đầu tiên tham dự Diễn đàn Quốc phòng Mỹ- ASEAN theo lời mời của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel trong diễn văn tại Shangri-La năm 2013.

Đối với Mỹ, Động thái này có thể là một bước đi tích cực của Trung Quốc hướng tới sự hợp tác quốc phòng tốt đẹp trong khu vực, hơn là một động thái chống lại Mỹ.

3. Tăng cường hợp tác chống tội phạm xuyên quốc gia

Hải quân Trung Quốc (PLAN) đã tham gia mạnh mẽ vào các hoạt động chống cướp biển trên Vịnh Ađen. Học giả Andrew Erickson và Austin Strange chỉ ra rằng, nỗ lực chống cướp biển đa quốc gia trên Vịnh Ađen đã mang lại khuôn khổ hợp tác chưa từng thấy giữa Hải quân Trung Quốc với Hải quân Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, trong bối cảnh quan hệ với các nước láng giềng trên biển của Trung Quốc gặp trở ngại.

Thành công của mô hình Vịnh Ađen trong vận dụng được lợi ích chung về an toàn hàng hải toàn cầu là cơ sở để xây dựng các mô hình hợp tác khác.

Trong bối cảnh đối đầu nóng bỏng trên biển giữa Trung Quốc với các quốc gia láng giềng, vấn đề này hoàn toàn có thể được giải quyết nếu có sự hợp tác hữu nghị giữa cơ quan thi hành luật biển các nước. Tuy nhiên, các cơ hội huấn luyện giữa lực lượng bảo vệ bờ biển các nước vẫn còn hạn chế.

Những cơ hội huấn luyện này, dù trong các hoạt động chống cướp biển hay chống ma túy đều mang lại các lĩnh vực hợp tác vì lợi ích chung, thông qua đó, các lực lượng cảnh sát biển có thể kết nối và tăng cường hiểu biết về cách ứng xử trên biển. Kết quả là các vụ việc gây căng thẳng trong vùng biển tranh chấp sẽ giảm. 

Thực tế, trong lĩnh vực chống ma túy Tiểu vùng sông Mê-kông mở rộng, một Biên bản ghi nhớ giữa Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan và Cơ quan của Liên hợp quốc về ma túy và tội phạm (UNODC) ký năm 1993 mang lại mô hình cho hợp tác bán quân sự và cảnh sát với Trung Quốc.

Các nỗ lực tăng cường hợp tác với Trung Quốc không chỉ củng cố tuyên bố của Mỹ rằng sẽ không kiềm chế Trung Quốc, mong muốn hợp tác với nhau,  mà còn cho phép các nước Đông Nam Á tham gia hợp tác quân sự trong khu vực với vai trò chủ động. 

Theo Theo The Diplomat
MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.