Ngoại trưởng Antony Blinken. Ảnh: Reuters |
Ngoại trưởng Blinken đã tham gia một cuộc họp báo hôm 6/12 với Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và những người đồng cấp Úc đang thăm Washington. Cùng ngày, hai sân bay của Nga bị tấn công bằng máy bay không người lái nghi của Ukraine, và tạp chí Wall Street Journal đưa tin về việc Mỹ từng điều chỉnh hệ thống pháo phản lực phóng loạt cơ động cao HIMARS để ngăn Ukraine tấn công lãnh thổ Nga.
Ông Blinken nói với các phóng viên trong cuộc họp báo: “Chúng tôi không khuyến khích cũng như không cho phép Ukraine tấn công bên trong lãnh thổ Nga. Điều thực sự quan trọng là cách Ukraine đối phó với sự gây hấn đang diễn ra của Nga”.
Ngoại trưởng khẳng định Mỹ quyết tâm cung cấp cho người Ukraine “các thiết bị mà họ cần để tự vệ, bảo vệ lãnh thổ của họ, bảo vệ tự do của họ”.
Hôm 5/12, Bộ Quốc phòng Nga cho biết một số máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công sân bay Dyagilevo ở Vùng Ryazan và sân bay Engels ở Vùng Saratov, sâu trong lãnh thổ nước này.
Các máy bay đã bị lực lượng phòng không Nga phát hiện và bắn hạ, nhưng vụ việc vẫn khiến ba quân nhân thiệt mạng và bốn người bị thương. Hai máy bay được cho là bị hư hại nhẹ.
Các máy bay không người lái được sử dụng trong vụ tấn công là phiên bản sửa đổi của máy bay Liên Xô, không phải vũ khí phương Tây giao cho Kiev trong năm nay.
Khi được hỏi về thông tin Mỹ đã sửa đổi các bệ phóng HIMARS gửi tới Ukraine để không tương thích với các tên lửa tầm xa, Bộ trưởng Quốc phòng Austin phủ nhận việc Mỹ đang cố gắng làm khó Kiev.
“Chúng tôi không ngăn Ukraine phát triển năng lực của chính họ. Chúng tôi hoàn toàn không làm điều đó”, ông Austin nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin. Ảnh: Reuters |
Trước đó, phát ngôn viên của Ngoại trưởng Blinken – Ned Price – đã từ chối bình luận về các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở Nga hoặc việc sửa đổi hệ thống HIMARS, chỉ nói rằng Mỹ đang cung cấp cho Ukraine "những gì họ cần sử dụng trên lãnh thổ có chủ quyền của mình để chống lại Nga".
Hồi tháng 6, khi Mỹ lần đầu tiên gửi HIMARS tới Ukraine, Ngoại trưởng Blinken nói với các phóng viên ông đã nhận được "sự đảm bảo" từ Kiev rằng chúng sẽ không được sử dụng "để chống lại các mục tiêu trên lãnh thổ Nga”. Tuy nhiên, Đại sứ Mỹ tại Kiev - Bridget Brink, cho biết vào thời điểm đó rằng quyết định về phạm vi tấn công của hệ thống tên lửa sẽ “tùy thuộc vào phía Ukraine”.
Mới đây, các quan chức giấu tên của Mỹ tiết lộ với tờ Wall Street Journal rằng tất cả 20 đơn vị HIMARS được gửi đến Ukraine đã trải qua các sửa đổi phần cứng và phần mềm để không thể sử dụng tên lửa ATACMS tầm xa.
Mátxcơva đã nhiều lần cảnh báo Washington rằng việc cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine có nguy cơ vượt qua “lằn ranh đỏ” của Nga, khiến Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trở thành những bên trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột. Mỹ và các đồng minh khẳng định họ không tham gia vào các hành động thù địch nhưng vẫn tiếp tục vũ trang cho Kiev.