Mỹ - Pháp bất hoà ở Liên Hợp quốc vì xung đột Trung Đông

0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng cứu hoả Palestine dập đám cháy ở một kho sơn bị Israel tấn công. (Ảnh: Reuters)
Lực lượng cứu hoả Palestine dập đám cháy ở một kho sơn bị Israel tấn công. (Ảnh: Reuters)
TPO - Xung đột ở Trung Đông đã làm nảy sinh mâu thuẫn ngoại giao tại Liên Hợp quốc giữa Mỹ và Pháp. Đây là căng thẳng công khai đầu tiên giữa hai nước đồng minh kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden lên nắm quyền.

Trước sự phản đối nhất quán của Mỹ, Pháp tiếp tục soạn một dự thảo nghị quyết nữa để trình lên Hội đồng Bảo an LHQ nhằm kêu gọi chấm dứt thù địch giữa Israel và Palestine, đồng thời cho thực hiện các hoạt động nhân đạo ở Dải Gaza.

Mỹ đã liên tục phủ quyết những nghị quyết tương tự trong những ngày gần đây, nói rằng họ đang theo đuổi một cách khác để giải quyết cuộc khủng hoảng.

Đề xuất mới nhất của Pháp đưa đưa ra tối 18/5 từ Paris, nhưng nhanh chóng vấp phải phản ứng cứng rắn của Mỹ, báo hiệu Washington sẽ tiếp tục phủ quyết.

Ông Biden thông báo đã trao đổi trực tiếp với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và kỳ vọng sẽ “có sự xuống thang đáng kể” trong ngày 19/5. Những động thái này cho thấy cách làm tương phản của Paris và Washington.

Pháp không gợi ý bất kỳ ngày nào cho việc tiến hành bỏ phiếu nghị quyết do họ đề xuất, và có vẻ bản dự thảo chưa được lưu hành rộng rãi trong Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên.

Chiến thuật này khiến nhiều người cho rằng Pháp đang cố gây thêm áp lực với Mỹ, hoặc để nhấn mạnh rằng ông Biden không thực hiện cam kết sẽ theo đuổi cách tiếp cận đa phương trong các vấn đề quốc tế để làm khác người tiền nhiệm Donald Trump.

Ngày 19/5, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nói trước quốc hội nước này: “Lập trường của Mỹ khá quyết liệt…Đúng là chúng ta đang thấy Mỹ đi sau một chút”.

Căng thẳng rõ ràng giữa Pháp và Mỹ có thể ảnh hưởng đến những vấn đề khác. Trong tuần này, hai quốc gia cũng bất đồng về việc có nên hỗ trợ cho tổ chức chống Hồi giáo cực đoan G5 Sahel ở Tây Phi.

Là nước tham gia nhiều về chính trị và quân sự ở khu vực này, Pháp nhiều năm qua đã vận động Liên Hợp quốc ủng hộ về tài chính, hậu cần và chiến dịch cho lực lượng 5.000 binh lính được vũ trang của Niger, Chad, Mauritania, Mali và Burkina Faso.

Chính quyền Trump đã dứt khoát từ chối và Pháp hy vọng Washington sẽ ủng hộ sau khi ông Biden lên cầm quyền. Nhưng Mỹ tiếp tục phản đối quan điểm của Pháp, thay vào đó ủng hộ hỗ trợ song phương.

Về vấn đề Trung Đông, Hội đồng Bảo an đang hứng nhiều chỉ trích vì không ra nổi một tuyên bố chung, khi Mỹ - đồng minh của Israel – liên tục phủ quyết 3 dự thảo do Trung Quốc, Na Uy và Tunisia đề xuất để kêu gọi chấm dứt giao tranh.

Theo AP
MỚI - NÓNG