Đây là lần thứ tư các nước thành viên HĐBA thúc đẩy cơ quan quyền lực nhất của LHQ lên tiếng kêu gọi chấm dứt bạo lực ở Dải Gaza. Ba dự thảo tuyên bố chung trước đó đều bị Mỹ, ủy viên thường trực HĐBA, chặn lại. Dự thảo gần nhất do Trung Quốc, Na Uy và Tunisia đề xuất đã bị Mỹ chặn tới hai lần, vào ngày 16 và 18/5.
Các nhà ngoại giao cho biết, nghị quyết của Pháp, được soạn thảo với sự tham gia của Ai Cập và Jordan, có thể được chuyển đến các thành viên hội đồng sớm nhất vào 20/5 và sẽ sớm được đưa ra bỏ phiếu.
Trong khi đó, tại Washington, Tổng thống Joe Biden và các quan chức dưới quyền đang tích cực thúc giục Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu giảm quy mô chiến dịch bắn phá Dải Gaza, theo nguồn tin riêng của AP.
Nhà Trắng được cho là đã nhấn mạnh với Tel Aviv vào ngày 17 và 18/5 rằng, ở thời điểm hiện tại, việc giảm quy mô chiến dịch sẽ có lợi cho Israel vì cộng đồng quốc tế đang lên tiếng phản đối gay gắt.
Trong cuộc đàm phán với Israel, các quan chức chính quyền Tổng thống Mỹ Biden thuyết phục Tel Aviv đặt ra giới hạn cho hành động quân sự của mình, viện dẫn việc phong trào Hezbollah (Li-băng) lớn mạnh hơn nhiều sau cuộc chiến 34 ngày với Israel vào năm 2006. Nhưng các quan chức Israel lại cho rằng việc kéo dài chiến dịch để làm giảm khả năng quân sự của Hamas là cần thiết.
Chính quyền ông Biden đến nay vẫn phản đối những lời kêu gọi gia tăng áp lực dư luận đối với Thủ tướng Netanyahu. Nhà Trắng tin rằng, Israel sẽ phớt lờ các nghị quyết quốc tế hoặc yêu cầu ngừng bắn công khai của Mỹ, nên cách duy nhất để xoa dịu tình hình lúc này là gây áp lực ở hậu trường. Nguồn tin này cũng tiết lộ phía Israel đã úp mở khả năng kết thúc chiến dịch quân sự trong vài ngày tới.
Hôm 18/5, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói với các phóng viên: “Tổng thống đã làm việc này đủ lâu để hiểu rằng đôi khi ngoại giao phải diễn ra ở hậu trường”.