Kết quả là đối phương sẽ khó xác định các cuộc tấn công đến từ đâu, ai là thủ phạm. Hệ thống vũ khí tinh vi này còn có thể giáng một đòn nghiêm trọng vào sức mạnh quân sự và kinh tế của các cường quốc không gian trong hòa bình và chiến tranh, Popular Mechanics dẫn các báo cáo mới nhất cho biết.
Hai báo cáo, một từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế và một từ Quỹ Thế giới Bảo mật (CSIS và SWF, đều có trụ sở ở Mỹ), phân tích dữ liệu nguồn mở để cung cấp các số liệu ước tính về các chương trình chiến tranh chống vệ tinh trên toàn thế giới, bao gồm cả của Mỹ. Kết quả là một bức tranh lạnh lùng về các loại vũ khí có thể được sử dụng để vô hiệu hóa không chỉ các vệ tinh quân sự mà cả dân sự, dẫn đến sự gián đoạn đáng kể mọi thứ, từ tín hiệu truyền hình đến hệ thống định vị toàn cầu.
Theo CSIS và SWF, Nga đang đầu tư đáng kể vào vũ khí chống vệ tinh. Tên lửa 14A042 Nudol có nguồn gốc từ các tên lửa đánh chặn đạn đạo, có thể bắn hạ các tên lửa đạn đạo, có khả năng chống vệ tinh hạn chế. Nudol đã hoàn thành bảy bài kiểm tra cho đến nay.
SWF cũng cho biết có dấu hiệu Moscow đang nâng cấp hệ thống giám sát không gian Krona của họ với hệ thống lóa laser Kalina, nhằm làm mù hoặc làm hỏng cảm biến quang của các vệ tinh gián điệp nước ngoài. CSIS lưu ý rằng hệ thống laser Peresvet có thể được sử dụng để làm hỏng các vệ tinh trên quỹ đạo Trái đất tầm thấp.
Nga cũng đang đầu tư vào các khả năng chống vệ tinh gần Trái đất hơn, đưa vào sử dụng các hệ thống gây nhiễu vệ tinh phá vỡ luồng dữ liệu giữa các vệ tinh và khách hàng trên mặt đất. CSIS lưu ý rằng đã có nhiều báo cáo về việc gây nhiễu GPS xung quanh các lực lượng Nga ở Syria.
Việc phá vỡ GPS gây khó khăn cho phi công đối phương, làm sai lệch đường bay của các vũ khí tự dẫn hướng. Sự gián đoạn có thể ở dạng gây nhiễu tín hiệu GPS, ngăn người dùng không nhận được bất kỳ dữ liệu nào, đến các vị trí giả mạo và lén lút gửi dữ liệu vị trí giả mạo.
Trung Quốc được cho là đang nghiên cứu ba hệ thống tên lửa chống vệ tinh. Ít nhất một hệ thống, SC-19, được cho là hoạt động. SC-19 đã được thử nghiệm năm lần và có nguồn gốc từ tên lửa đạn đạo tầm trung DF-21C với công nghệ được chuyển đổi từ các hệ thống tên lửa đất đối không. Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ tin rằng Trung Quốc sẽ phát triển hệ thống vũ khí laser chống vệ tinh trên mặt đất trong năm 2020.
Trung Quốc cũng đang nghiên cứu các thiết bị gây nhiễu trên mặt đất để phá vỡ các luồng dữ liệu các vệ tinh, một khả năng quan trọng có thể được sử dụng để chống lại một kẻ thù hoạt động ở khoảng cách xa như Mỹ.
Có lẽ chương trình vũ khí chống vệ tinh tiên tiến nhất thế giới hiện nay là của Mỹ. Quân đội nước này có một số vũ khí chống vệ tinh đáng gờm, bao gồm tên lửa đánh chặn mặt đất ở Alaska và Hawaii. Hệ thống GBI ban đầu được phát triển để bắn hạ các tên lửa đạn đạo nhắm vào Mỹ khi chúng đi qua quỹ đạo Trái đất tầm thấp.