Mỹ nêu tên các công ty, tàu chở hàng dính dáng Triều Tiên

Bức ảnh chụp tàu Kum Un San 3 của Triều Tiên bị Mỹ cáo buộc giả mạo thông tin tàu. Ảnh: Bộ Tài chính Mỹ.
Bức ảnh chụp tàu Kum Un San 3 của Triều Tiên bị Mỹ cáo buộc giả mạo thông tin tàu. Ảnh: Bộ Tài chính Mỹ.
TP - Hôm qua, Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Mỹ hôm qua thông báo đợt trừng phạt lớn nhất từ trước đến nay liên quan Triều Tiên. 56 công ty vận tải biển và tàu chở hàng bị nêu đích danh lần này trong một nỗ lực của Mỹ để thúc đẩy chiến dịch gây áp lực tối đa nhằm cô lập Bình Nhưỡng hơn nữa.

Đối tượng của đợt trừng phạt lần này là một cá nhân, 27 đơn vị và 28 tàu chở hàng neo trú, đăng ký, hay cắm cờ của Triều Tiên, Trung Quốc, Singapore, Đài Loan, Hong Kong, quần đảo Marshall, Tanzania, Panama và Comoros. Cùng với Bộ Ngoại giao và Lực lượng Bảo vệ bờ biển Mỹ, Bộ Tài chính Mỹ cũng đưa ra cảnh báo công chúng về nguy cơ trừng phạt nặng đối với những người tiếp tục giúp vận chuyển hàng hóa đến và ra khỏi Triều Tiên.

“Bộ Tài chính Mỹ đang tăng cường xử lý tất cả những cách thức bất hợp pháp mà Triều Tiên sử dụng để lách lệnh trừng phạt, bao gồm việc dứt khoát cấm vận các tàu chở hàng, công ty vận tải, và các đơn vị làm việc trên danh nghĩa Triều Tiên trên khắp thế giới. Điều này sẽ cản trở đáng kể khả năng tiến hành các hoạt động hàng hải chui lủi nhằm chuyên chở trái phép than và nhiên liệu cũng như làm xói mòn khả năng vận chuyển hàng hóa thông qua các vùng biển quốc tế”, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói rõ với các công ty trên khắp thế giới rằng nếu lựa chọn tài trợ cho tham vọng hạt nhân của Triều Tiên, họ sẽ không có cơ hội hợp tác kinh doanh với phía Mỹ, ông Mnuchin cảnh báo.Theo Bộ Tài chính Mỹ, với lệnh trừng phạt lần này, bất cứ tài sản, lợi nhuận thuộc về tài sản của những người bị nêu tên thuộc sở hữu hay kiểm soát của những người ở Mỹ hay trong lãnh thổ Mỹ sẽ bị đóng băng, và những người ở Mỹ bị cấm giao dịch với bất cứ bên nào bị nêu tên.

Cảnh báo tàu thuyền toàn cầu

Ngoài các biện pháp trừng phạt, sau khi tham khảo Bộ Ngoại giao và Lực lượng Bảo vệ bờ biển Mỹ, OFAC hôm qua cũng ban hành một lệnh cảnh báo tàu thuyền toàn cầu, nhấn mạnh nguy cơ trừng phạt nặng cho người nào tiếp tục giúp vận chuyển hàng hóa đến và ra khỏi Triều Tiên. Cảnh báo này cung cấp thông tin cho các ngành biết về các “mánh khóe vận tải đường biển gian dối của Triều Tiên”, OFAC cho biết.

Triều Tiên được cho là đã thực hiện nhiều hoạt động vận chuyển đường biển trái phép, bao gồm việc làm giả và che giấu thông tin trên các tàu chở hàng của Triều Tiên, thực hiện chuyển hàng từ tàu này sang tàu khác, một hoạt động bị cấm theo nghị quyết của Liên Hợp Quốc. Giới chức Mỹ đưa ra một số bức ảnh mô tả các hoạt động trái phép của Triều Tiên. Theo đó, Mỹ cho rằng bức ảnh chụp ngày 6/12/2017 cho thấy tàu KUM UN SAN 3 của Triều Tiên trong danh sách cấm vận của Mỹ đã giả mạo thông tin tàu; bức hình thứ hai chụp vào ngày 9/12/2017 cho thấy cùng chiếc tàu Triều Tiên này đang cố chuyển dầu sang tàu KOTI treo cờ Panama để tìm cách lách lệnh trừng phạt.

OFAC đưa ra danh sách 9 công ty vận tải đường biển quốc tế và 9 tàu chở hàng của họ căn cứ theo Lệnh thi hành 13810. Các tàu bị nêu tên bị cho là đã được sử dụng để xuất khẩu than từ Triều Tiên hoặc liên quan hoạt động chuyển các sản phẩm dầu tinh sang tàu khác bị Liên Hợp Quốc nghiêm cấm. Bình Nhưỡng được cho là dùng doanh thu từ xuất khẩu than để phục vụ các chương trình sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt và tên lửa.  Các tàu này có thể chở than trị giá hơn 5,5 triệu USD trong một lần vận chuyển.

Danh sách các công ty quốc tế bị OFAC nêu tên có một công ty vận tải biển có trụ sở tại Sơn Đông, Trung Quốc, 1 công ty tại Thượng Hải, Trung Quốc; 5 công ty đóng tại Hong Kong, Trung Quốc; 1 công ty tại Singapore và 1 công ty tại Panama. 

OFAC nêu đích danh công dân Đài Loan Tsang Yung Yuan vì đã điều phối việc xuất khẩu than của Triều Tiên với môi giới tại Nga. Người này từng tham gia nhiều hoạt động lách lệnh trừng phạt khác. OFAC còn nêu tên hai đơn vị là Pro-Gain Group Corporation tại Đài Loan và Kingly Won International Co., Ltd. tại Đài Loan và Quần đảo Marshall do Tsang sở hữu hoặc điều hành. Theo thông tin từ giới chức Mỹ, năm 2017, Tsang và Kingly Won đã cố tham gia hoạt động mua bán dầu  trị giá hơn 1 triệu USD với công ty của Nga là Independent Petroleum Company, mà OFAC đã nêu tên trong danh sách cấm vận năm 2017 do hoạt động trong ngành năng lượng tại Triều Tiên.

OFAC cũng liệt kê cụ thể tên 16 công ty vận tải đường biển Triều Tiên hoạt động trong ngành vận chuyển tại Triều Tiên và chặn 19 tàu treo cờ Triều Tiên của các công ty này.

MỚI - NÓNG