Mỹ lo Triều Tiên 'thả con săn sắt, bắt con cá rô'

Hai lính Hàn Quốc đứng gác trong phòng họp của Ủy ban đình chiến quân sự thuộc Bộ Chỉ huy Liên Hợp Quốc nằm trong khu phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên. Ảnh: Thu Loan.
Hai lính Hàn Quốc đứng gác trong phòng họp của Ủy ban đình chiến quân sự thuộc Bộ Chỉ huy Liên Hợp Quốc nằm trong khu phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên. Ảnh: Thu Loan.
TP - Trong khi chuẩn bị cho cuộc gặp lịch sử với Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã giành được thế cao nhờ việc đưa ra các cử chỉ hòa giải.

Trong khi chuẩn bị cho cuộc gặp lịch sử với Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã giành được thế cao nhờ việc đưa ra các cử chỉ hòa giải về chuyện thử hạt nhân và lực lượng đồn trú Mỹ, làm tăng hy vọng ở Hàn Quốc và được ông Trump ca ngợi là “tiến triển lớn”.

Nhưng những bước đi táo bạo của ông Trump gây bất an cho nhiều quan chức Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. Một số người nghi ngờ lãnh đạo Triều Tiên chỉ làm bộ trước thềm cuộc gặp ông Trump và Tổng thống Hàn Quốc chứ không có ý định thực sự sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân của mình. Họ lo lắng rằng những hứa hẹn này sẽ đưa ông Trump vào thế khó trong các cuộc thương lượng sắp tới, bằng cách đưa ra đề xuất có tính biểu tượng rất mạnh nhưng bản chất lại rất khiêm tốn trong chuyện phi hạt nhân hóa thực sự. Một quan chức cấp cao Mỹ gọi là “bẫy đóng băng”. 

Ông Kim đang thực sự muốn gì?

Việc một nhà lãnh đạo mới vài tháng trước còn dọa tấn công Mỹ nay đột nhiên chìa cành oliu sẵn sàng đặt chương trình hạt nhân lên bàn đàm phán càng khiến giới quan sát băn khoăn: Ông Kim đang thực sự muốn gì? Tại Washington, hầu hết các quan chức và chuyên gia tin rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên quyết củng cố địa vị nhà nước hạt nhân nhưng vẫn tìm cách thoát khỏi nút thắt cổ của trừng phạt kinh tế. Họ cho rằng việc Triều Tiên tuyên bố nhượng bộ chuyện thử hạt nhân và không đòi lực lượng đồn trú Mỹ rời khỏi Hàn Quốc được tính toán để kích thích Mỹ nới lỏng trừng phạt, ngay cả trước khi Triều Tiên dỡ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình.

Ông Trump tuyên bố sẽ không làm điều đó. Nhưng các trợ lý của ông nói rằng Tổng thống Mỹ đã bị lừa bởi triển vọng làm nên lịch sử trong vấn đề bán đảo Triều Tiên. Ông Trump chưa đưa ra điều kiện nào cho cuộc gặp với ông Kim, thậm chí cả chuyện đòi thả 3 người Mỹ đang bị giam giữ ở Triều Tiên, cho dù giới chức Mỹ nói rằng họ đang làm việc vất vả để những người đó được thả. 

Tuần qua, ông Trump ủng hộ nỗ lực của ông Kim nhằm đạt được một hiệp ước hòa bình với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in để chính thức kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên kéo dài 68 năm. Nhưng bên trong Nhà Trắng, một số người lo ngại rằng ông Kim sẽ dùng lời hứa hòa bình để tách Hàn Quốc khỏi Mỹ và phá nỗ lực buộc ông phải từ bỏ vũ khí hạt nhân của mình.

“Mọi người không nhận ra rằng Chiến tranh Triều Tiên vẫn chưa chấm dứt. Điều đó giờ đang diễn ra. Họ đang thảo luận việc chấm dứt chiến tranh. Về thỏa thuận đó, họ chắc chắn sẽ nhận được lời cầu chúc từ tôi”, ông Trump nói với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong chuyến thăm Mỹ của ông Abe gần đây. Nhưng ông Abe không thể hiện quan điểm tương tự. Nhật Bản cực kỳ nghi ngờ động cơ của ông Kim và lo rằng những mối quan tâm an ninh không được tính đến trong bất kỳ thỏa thuận nào giữa hai miền Triều Tiên hay giữa Mỹ và Triều Tiên. 

Giới chức Nhật Bản cho rằng việc Triều Tiên tuyên bố sẽ ngừng thử hạt nhân và tên lửa là không đủ, vì không nói rõ tuyên bố đó có bao gồm các tên lửa tầm ngắn và tầm trung có thể tấn công Nhật hay không. “Chỉ vì Triều Tiên đang đáp ứng điều kiện đối thoại thì cũng không nên có phần thưởng”, ông Abe nói sau 2 ngày gặp gỡ ông Trump tại khu nghỉ dưỡng ở Mar-a-Lago. “Áp lực tối đa sẽ được duy trì và việc triển khai thực tế những hành động cụ thể hướng tới phi hạt nhân hóa sẽ vẫn được yêu cầu”, ông nói. 

Ngay cả với Trung Quốc, nước vốn đã quen kiểm soát quan hệ với Triều Tiên, cũng phải ngỡ ngàng trước tốc độ diễn ra các sự kiện. Giới chức Trung Quốc sợ rằng họ sẽ phải đứng ngoài các cuộc đàm phán và rằng ông Kim sẽ theo đuổi một thỏa thuận mới Mỹ để đưa Triều Tiên xích lại gần Washington hơn Bắc Kinh, giới quan sát nhận định. 

Nhiều yếu tố bất định

Phần lớn lo lắng ở Tokyo và Bắc Kinh xuất phát từ tính chất khó đoán định của cả ông Trump và ông Kim. Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã chứng tỏ khả năng khéo léo hơn dự kiến trong việc mở cánh cửa ngoại giao với Mỹ và Hàn Quốc. 

“Họ (Triều Tiên) đã làm rất tốt việc xuất hiện một cách hợp lý, nhưng còn chuyện sẽ thoát khỏi chiến dịch gây áp lực tối đa và được công nhận là một nhà nước sở hữu vũ khí hạt nhân trong tương lai như thế nào”, báo New York Times dẫn lời ông Evan Medeiros, một cựu cố vấn cấp cao về châu Á dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Đội cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump càng gia tăng tính bất định của cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới. Vài ngày sau khi chấp nhận lời mời gặp của ông Kim, ông Trump sa thải Ngoại trưởng Rex Tillerson và cố vấn an ninh quốc gia Herbert  McMaster bị buộc phải từ chức. Giờ đây, ông Trump giao phó chuyện ngoại giao cho cựu Giám đốc CIA Mike Pompeo. Ông Pompeo gần đây bí mật đến Bình Nhưỡng để gặp ông Kim nhưng chỉ mang theo các trợ lý từ cơ quan tình báo. Theo một quan chức cấp cao Mỹ, ông Pompeo đã nêu vấn đề người Mỹ bị giam giữ, nhưng phần lớn thời gian trong chuyến thăm 1 ngày đó dành cho chuyện hậu cần như thời gian và địa điểm gặp gỡ thượng đỉnh. Việc Nhà Trắng hay Bộ Ngoại giao Mỹ không tham gia chuyến đi đó làm hạn chế những chuẩn bị của phía Mỹ cho cuộc gặp với ông Kim. 

Người kế nhiệm của ông McMacter là ông John Bolton càng khó đoán. Hai tuần trước khi được chọn làm cố vấn an ninh quốc gia, ông nói rằng cuộc gặp thượng đỉnh sẽ không tránh được thất bại, rồi sau đó Mỹ có thể tiến nhanh đến giai đoạn tiếp theo – có thể là đối đầu quân sự. “Đó có thể là một cuộc gặp kéo dài và không có kết quả, hoặc có thể ngắn mà không có kết quả”, ông Bolton nói với Fox News
Nhưng từ khi vào Nhà Trắng, ông Bolton đã thực hiện đúng theo vai trò truyền thống của vị trí này, các quan chức Mỹ cho biết. Ngay cả trong những quan chức Mỹ lo lắng về chiến tranh cũng có người chia sẻ quan điểm của ông Bolton rằng sự thất bại nhanh chóng sẽ đáng giá. Họ nói rằng Mỹ nên gột sạch ý định của ông Kim trước khi nhà lãnh đạo này có thêm 6 tháng hoặc 1 năm để làm chủ công nghệ tên lửa đạn đạo liên lục địa. Sự hiện diện của ông Bolton không ngăn Tổng thống Trump ca ngợi ông Kim và nói những lời lạc quan. 

Chính quyền Mỹ coi những tuyên bố của ông Kim về việc dừng thử hạt nhân là mưu mẹo chứ không phải việc chấp nhận quân đội Mỹ tiếp tục hiện diện trên bán đảo, vì đó là thông điệp mà ông Kim gửi đến người dân trong nước. Còn việc Triều Tiên không nói đến chuyện từ bỏ tên lửa tầm ngắn và tầm trung được cho là cách Triều Tiên gây chia rẽ giữa Mỹ và Nhật Bản.

Ngày 21/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump hoan nghênh Triều Tiên vừa quyết định ngừng thử hạt nhân – tên lửa và đóng cửa các bãi thử hạt nhân của nước này. Trong khi đó, phía Nhật Bản cảm thấy chưa hài lòng vì nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un không đề cập việc ngừng thử tên lửa đạn đạo loại tầm trung và tầm ngắn.

MỚI - NÓNG
DaLAB, Bùi Trường Linh hòa giọng cùng hàng nghìn sinh viên tại Ngày Thẻ Việt Nam 2024 - Sóng Festival
DaLAB, Bùi Trường Linh hòa giọng cùng hàng nghìn sinh viên tại Ngày Thẻ Việt Nam 2024 - Sóng Festival
TPO - Nối tiếp những chương trình biểu diễn thành công trước đó, buổi diễn cuối cùng của Ngày Thẻ Việt Nam 2024 - Sóng Festival khép lại với sự xuất hiện của nhóm nhạc Da LAB và ca sĩ Bùi Trường Linh. Hàng nghìn khán giả của chương trình say sưa hát theo, hòa giọng với những bản tình ca của Da LAB và Bùi Trường Linh.