Mỹ lo điều tồi tệ nhất với Kiev chưa tới

TP - Ukraine đến nay vẫn có thể giữ quân Nga xa Kiev khoảng 32 km về phía bắc, bất chấp dự đoán trước đó của tình báo phương Tây rằng thủ đô Ukraine sẽ thất thủ trong 1-4 ngày sau khi Nga tấn công toàn diện. Nhưng giới chức Mỹ cho rằng Nga có thể sắp tấn công quyết liệt hơn.

Các quan chức tình báo và quốc phòng Mỹ đang theo dõi hoạt động của quân Nga nói rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn dự phòng một số bước đi có thể đập tan sự kháng cự của Ukraine. “Từ quan điểm đơn thuần về quân sự, chiến thuật, Nga có đủ nhân lực và hỏa lực để khống chế Kiev, bất kể Ukraine kháng cự mức nào”, một quan chức Mỹ nắm được đánh giá tình báo nói với CNN.

Mỹ lo điều tồi tệ nhất với Kiev chưa tới ảnh 1
Ảnh vệ tinh được Maxar công bố để khẳng định đoàn xe quân sự Nga trải dài hơn 60km đang tiến vào thủ đô Kiev của Ukraine. Ảnh: Maxar

Khoảng 1/4 số binh lính Nga tập trung ở biên giới vẫn chưa vào Ukraine, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết ngày 1/3, nên khả năng sẽ xảy ra “làn sóng tấn công thứ hai”. “Họ tiến chậm hơn và thất vọng vì không tiến triển ở Kiev và điều đó có thể dẫn đến việc đánh giá lại chiến thuật, quyết định tấn công Kiev quyết liệt hơn về cả quy mô và mức độ”, một quan chức quốc phòng Mỹ hôm qua nói với báo chí.

Giới chức Mỹ báo cáo với các nghị sĩ trong buổi cung cấp thông tin ngày 1/3 rằng “làn sóng thứ hai” sẽ củng cố vị trí của quân đội Nga ở Ukraine và tăng số lượng lên mức vượt qua khả năng kháng cự của Ukraine. Vị quan chức Mỹ nói rằng Nga có thể bao vây Kiev và tiến hành tác chiến đô thị. Ukraine vẫn bị Nga áp đảo về quân số và vũ khí, cho dù các chiến lược gia quân sự của Mỹ đánh giá Nga đã phạm một số sai lầm rõ ràng.

Nga có vẻ đã tăng cường chiến dịch ở phía đông và nam Ukraine. Tại thành phố Kharkiv ở vùng đông bắc, phía Ukraine nói rằng, quân Nga đã tấn công bằng rốc-két vào ít nhất một khu dân cư khiến dân thường thiệt mạng. Tại thành phố Mykolaiv ở phía nam, nơi nằm trên một tuyến đường thuận tiện để Nga đưa quân và đồ tiếp tế vào, chiến sự diễn ra ác liệt nhất so với những thành phố khác của Ukraine trong những ngày gần đây.

Ngày 1/3, hãng Maxar của Mỹ công bố ảnh vệ tinh mới, khẳng định một đoàn xe quân sự Nga dài hơn 64 km đã đến ngoại ô Kiev. Theo hãng này, đoàn xe rời căn cứ không quân Antonov, cách trung tâm Kiev khoảng 27 km, đã đến vùng ngoại ô Pribyrsk. Thị trấn này nằm gần biên giới Ukraine-Belarus và gần nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. Kiev hiện vẫn nằm trong tầm kiểm soát của chính phủ Ukraine. “Đối với họ, Kiev là mục tiêu chính. Chúng tôi sẽ không để họ phá vỡ tuyến phòng thủ của thủ đô”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói ngày 1/3.

Tinh thần của ông Putin

Giới chức phương Tây đang theo dõi ông Putin một cách thận trọng, khi nhà lãnh đạo Nga đang chịu áp lực lớn trước tình trạng hàng loạt lệnh trừng phạt mạnh tay kéo giá đồng rúp tụt thảm hại và thị trường chứng khoán Nga phải tạm dừng hoạt động. Phương Tây lo ngại rằng những biện pháp trừng phạt đó, cộng với tình trạng thiếu tiến triển ở Kiev, có thể khiến nhà lãnh đạo Nga hành động quyết liệt hơn.

Các nghị sĩ Mỹ nắm được thông tin tình báo và các cựu quan chức giàu kinh nghiệm về Nga đã bắt đầu công khai đặt câu hỏi về tinh thần của ông Putin. “Nga đã bị cô lập hoàn toàn, một phần do COVID-19. Giờ đây, ông ấy cơ bản chỉ có một mình, hoàn toàn bị cắt đứt với các cố vấn, cô lập về địa lý… Xung quanh ông ấy giờ chỉ còn những người chấp hành mệnh lệnh”, một nguồn tin Mỹ nắm được đánh giá tình báo tiết lộ với CNN.

Theo nguồn tin này, thông tin tình báo gợi ý rằng ông Putin giờ cũng không nghe lời khuyên của các tài phiệt thân thiết, dù trước đây họ vẫn có tác động lớn đến việc ra quyết định của ông chủ điện Kremlin. Thượng nghị sĩ Marco Rubia, công tác tại Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, cuối tuần qua viết trên Twitter rằng, ông Putin hiện nay rất khác, nên “sẽ là sai lầm nếu mặc định rằng ông ấy sẽ cư xử như cách đây 5 năm”.

Ngày 28/2, ông Putin ra lệnh đặt các lực lượng hạt nhân vào trạng thái “sẵn sàng chiến đấu đặc biệt”, một trạng thái cảnh báo cao độ mà chính quyền Mỹ cho là “sự leo thang vô cớ”.

MỚI - NÓNG