Mỹ kiểm soát chặt công ty nước ngoài

Biển hiệu của Alibaba trước Sở Giao dịch Chứng khoán New York ngày 11/11/2015 Ảnh: REUTERS
Biển hiệu của Alibaba trước Sở Giao dịch Chứng khoán New York ngày 11/11/2015 Ảnh: REUTERS
TP - Hạ viện Mỹ đã thông qua luật cho phép loại bỏ các công ty Trung Quốc khỏi các sàn giao dịch chứng khoán của Mỹ nếu họ không tuân thủ đầy đủ các quy tắc kiểm toán của nước này, giúp Tổng thống Donald Trump có thêm một công cụ để đe dọa Bắc Kinh trước khi rời nhiệm sở.

Theo Reuters, dự luật được hạ viện Mỹ thông qua bằng hình thức bỏ phiếu, sau khi được thượng viện Mỹ thông qua hồi tháng 5. Ông Trump cũng dự kiến sẽ ký ban hành bộ luật này.

“Đạo luật về trách nhiệm giải trình của các công ty nước ngoài” cấm chứng khoán của các công ty nước ngoài được niêm yết trên bất kỳ sàn giao dịch nào của Mỹ nếu họ không tuân thủ các cuộc kiểm toán của Ban Giám sát Kế toán công của Mỹ trong ba năm liên tiếp.

Mặc dù được áp dụng cho các công ty từ bất kỳ quốc gia nào, nhưng các nhà tài trợ cho đạo luật được nói là nhằm vào các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ, chẳng hạn như công ty thương mại điện tử Alibaba, công ty công nghệ Pinduoduo Inc và tập đoàn dầu mỏ khổng lồ PetroChina Co.

Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chris Van Hollen, đồng tác giả dự luật cùng thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John Kennedy nói trong một tuyên bố rằng, các nhà đầu tư Mỹ “đã bị lừa tiền khi đầu tư vào các công ty Trung Quốc có vẻ hợp pháp nhưng không tuân theo các tiêu chuẩn như các công ty niêm yết công khai khác”.

Ông Kennedy nói Trung Quốc đang sử dụng các sàn giao dịch của Mỹ để “khai thác” người Mỹ. “Hạ viện đã chung tay cùng thượng viện để bác bỏ hiện trạng độc hại này”, ông nói trong một tuyên bố.

Đạo luật này cũng sẽ yêu cầu các công ty đại chúng tiết lộ liệu họ thuộc sở hữu hay dưới sự kiểm soát của chính phủ nước ngoài hay không.

Hiệp hội Chứng khoán Mỹ ca ngợi việc thông qua dự luật, nói rằng cần phải bảo vệ người Mỹ khỏi “các công ty nguy hiểm do chính phủ Trung Quốc kiểm soát”.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói trước cuộc bỏ phiếu rằng đó là một chính sách phân biệt đối xử áp chế về mặt chính trị đối với các công ty Trung Quốc.

“Thay vì thiết lập các lớp rào cản, chúng tôi hy vọng Mỹ có thể cung cấp một môi trường công bằng và không phân biệt đối xử cho các công ty nước ngoài đầu tư và hoạt động tại Mỹ”, bà Hoa nói trong một cuộc họp báo.

Chính quyền Trung Quốc từ lâu đã miễn cưỡng để các cơ quan quản lý ở nước ngoài giám sát các công ty kiểm toán trong nước, với lý do lo ngại về an ninh quốc gia.

Các quan chức tại cơ quan quản lý chứng khoán của Trung Quốc nói rằng, họ sẵn sàng cho phép kiểm tra các tài liệu kiểm toán trong một số trường hợp. Tuy nhiên, các thỏa thuận trước đây nhằm giải quyết tranh chấp đã không hoạt động trên thực tế.

Shaun Wu, một đối tác ở Hong Kong của công ty luật Paul Hastings cho biết, việc tăng cường thực thi các biện pháp kiểm soát đối với các công ty Trung Quốc có khả năng xảy ra mặc dù ông Joe Biden sẽ trở thành tổng thống Mỹ vào tháng Giêng.

Ông nói nếu dự luật trở thành luật thì “tất cả các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ sẽ phải đối mặt với sự giám sát nâng cao của các cơ quan chức năng Mỹ và chắc chắn phải xem xét tất cả các lựa chọn có sẵn”. Điều này có thể bao gồm việc niêm yết ở Hong Kong hoặc những nơi khác”. Một số công ty Trung Quốc được niêm yết tại Mỹ, bao gồm Alibaba và nhà điều hành KFC Trung Quốc Yum China, gần đây đã thực hiện niêm yết thứ cấp tại Hong Kong.     

New York Times đưa tin ngày 2/12, chính phủ Mỹ đã ban hành các quy định hạn chế việc các đảng viên Ðảng Cộng sản Trung Quốc và gia đình họ đến Mỹ. Theo đó, hiệu lực thị thực du lịch của các đối tượng này bị giới hạn trong một tháng/lần nhập cảnh. Trước đây, các đảng viên, giống như các công dân Trung Quốc khác, có thể xin thị thực du lịch Mỹ với thời hạn lên đến 10 năm. Tuần trước, Reuters đưa tin Mỹ đã sẵn sàng thêm nhà sản xuất chip SMIC và công ty dầu khí quốc gia CNOOC vào danh sách đen các công ty Trung Quốc hạn chế tiếp cận các nhà đầu tư Mỹ.

MỚI - NÓNG