Mỹ hốt bạc từ bán vũ khí sang châu Á

Mỹ hốt bạc từ bán vũ khí sang châu Á
TP - Số lượng máy bay chiến đấu, hệ thống chống tên lửa cùng nhiều loại vũ khí khác mà Mỹ bán cho các nước hàng xóm của CHDCND Triều Tiên và Trung Quốc tăng đáng kể trong năm 2012, trong bối cảnh xảy ra nhiều căng thẳng an ninh khu vực.

> Điểm mặt 25 'quái vật' nguy hiểm nhất của kho vũ khí Mỹ
> Vũ khí Mỹ trong cuộc tập trận của Iran

Củng cố đồng minh và các đối tác an ninh của Mỹ là trọng tâm chính sách chuyển dịch trọng tâm sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi đang xảy ra nhiều tranh chấp chủ quyền biển đảo ở biển Đông, biển Hoa Đông, trong khi các chương trình hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên gây nhiều lo ngại.

Chích sách chuyển trọng tâm của Nhà Trắng “sẽ mang lại ngày càng nhiều cơ hội cho ngành công nghiệp của chúng ta, thông qua việc trang bị cho những người bạn”, hãng tin Reuters dẫn lời ông Fred Downey, Phó chủ tịch phụ trách lĩnh vực an ninh quốc gia của Hiệp hội Công nghiệp Vũ trụ (với nhiều thành viên là các nhà sản xuất vũ khí hàng đầu của Mỹ).

Nhu cầu mua vũ khí từ Mỹ được dự đoán sẽ giữ ở mức cao trong ít nhất 5 năm tới, theo báo cáo năm 2012 của Hiệp hội Công nghiệp Vũ trụ.

Những lo ngại về chi phí quốc phòng ngày càng tăng của Trung Quốc sẽ giúp doanh số bán vũ khí của Mỹ cho Nam Á và Đông Á tăng mạnh, để có thể bù đắp cho nhu cầu đang giảm ở châu Âu.

Hiệp hội Công nghiệp Vũ trụ, trong đó có tập đoàn Lockheed Martin, hãng Boeing và tập đoàn Northrop Grumman, không đưa ra mức dự báo doanh thu trong năm 2013, sau khi chứng kiến sự bùng nổ số lượng hợp đồng ký được trên toàn cầu dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Theo Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng thuộc Lầu Năm Góc, các hợp đồng bán vũ khí với những nước nằm trong khu vực phụ trách của Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ đạt 13,7 tỷ USD trong năm tài khoá 2012, tăng 5,4% so với năm trước.

Năm 2012, tổng số 65 đơn đặt hàng mua vũ khí từ các nước với tổng giá trị hơn 63 tỷ USD đã được gửi tới Quốc hội Mỹ.

Tuy con số này thấp hơn mức 66,3 tỷ USD của năm 2011, nhưng Văn phòng Bộ Ngoại giao Mỹ trong năm 2012 còn nhận được 85.000 đơn đề nghị cấp phép bán mua vũ khí và các thiết bị quân sự, lập nên mức kỷ lục mới.

Từ mức không có giao dịch gì vào năm 2008, số hợp đồng cung cấp vũ khí của Mỹ cho Ấn Độ tính đến năm 2012 đã tăng lên mức 8 tỷ USD, và sẽ tiếp tục tăng vì Ấn Độ dự tính chi 100 tỷ USD để nâng cấp trang thiết bị quân sự trong thập kỷ tới.

Nhật Bản đã quyết định sẽ mua máy bay chiến đấu đa năng F-35, với tổng giá trị hợp đồng đã ký và sẽ ký lên tới 5 tỷ USD, để thay thế phi đội F-4 lỗi thời, theo hãng tin Kyodo.

Trong khi đó, Đài Loan quyết định chi 1,85 tỷ USD để tân trang toàn bộ phi đội 145 máy bay chiến đấu F-16A/B hiện nay bằng radar và nhiều trang thiết bị hiện đại nhất đặt mua từ Lockheed Martin.

Báo chí Đài Loan đưa tin hòn đảo này cũng tiếp tục tìm kiếm hợp đồng mua máy bay F-16 đời mới của Mỹ.

Tháng 12-2012, chính phủ Mỹ đề nghị Quốc hội phê chuẩn kế hoạch bán cho Hàn Quốc 4 máy bay do thám hiện đại không người lái Global Hawk (RQ-4) với giá 1,2 tỷ USD, theo hãng tin Yonhap. Hàn Quốc và Singapore có thể cũng sẽ đặt mua các máy bay F-35.

Ngày 2-1, Tham mưu trưởng không quân Indonesia, ông Ida Bagus Putu Dunia, thông báo, trong năm 2013, không lực nước này sẽ được bổ sung 102 máy bay, gồm máy bay chiến đấu F-16, máy bay chống bạo loạn T-50 Super Tucano, máy bay vận tải quân sự CN-295 và C130 Hercules, trực thăng Cougar, máy bay huấn luyện KT-1 Woongbi và Boeing 737-500, theo Xinhua. Không quân Indonesia cũng sẽ được trang bị hệ thống radar mới.

Cuộc bầu cử hồi tháng trước tại Nhật Bản, Hàn Quốc với sự thắng lợi của các nhà lãnh đạo bảo thủ, thân Mỹ có thể sẽ còn mang lại nhiều hợp đồng vũ khí béo bở nữa cho Mỹ, thể hiện mối quan hệ ngày càng khăng khít giữa Mỹ và các đồng minh và đối tác, Reuters nhận định.

Doanh số bán vũ khí ngày càng tăng cũng giúp Mỹ bảo đảm lợi ích của mình trên khắp thế giới bằng cách củng cố các mối quan hệ ngoại giao và tăng cường quan hệ đồng minh dài hạn.

Lầu Năm Góc dự định tăng cường hoạt động tình báo, giám sát và do thám ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, song song với việc tung thêm các hệ thống không người điều khiển.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.