Theo nhiều nhà phân tích, các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn có thể làm hại quan hệ nồng ấm gần đây giữa Hàn Quốc và Triều Tiên trong khi hai miền đang chuẩn bị điều kiện phù hợp để tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.
Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ cho biết các biện pháp trừng phạt mới là “gói biện pháp lớn nhất từ trước đến nay chống lại chế độ Bình Nhưỡng”, nhưng không cho biết chi tiết. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence hé lộ kế hoạch này trong chặng dừng chân tại Tokyo cách đây 2 tuần và trước khi đến Hàn Quốc dự lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông Pyeongchang. Ông Kim Jong-un nói muốn thúc đẩy không khí ấm áp cho hòa giải và đối thoại với Hàn Quốc sau khi phái đoàn cấp cao của Bình Nhưỡng, bao gồm em gái ông Kim, trở về từ Thế vận hội.
Năm ngoái, Triều Tiên thực hiện cả chục vụ phóng tên lửa cùng vụ thử hạt nhân lần thứ 6 và cũng là vụ thử lớn nhất của nước này cho đến nay, bất chấp các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Hơn 2 tháng qua, nước này không thực hiện vụ thử nào.
Các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ sẽ được thông báo khi con gái ông Trump, cô Ivanka Trump, thăm Hàn Quốc để dự bữa tối với Tổng thống Moon và lễ bế mạc Thế vận hội. Ngoài bữa tối với thực đơn kosher phức tạp để phù hợp với chế độ ăn kiêng của cô Ivanka, Nhà Xanh còn chuẩn bị một số tiết mục biểu diễn nghệ thuật truyền thống để thết đãi phái đoàn Mỹ.
Chuyến thăm của cô Ivanka đến Hàn Quốc trùng với chuyến thăm của một quan chức Triều Tiên đang nằm trong danh sách trừng phạt, ông Kim Yong-chol, người bị cáo buộc chịu trách nhiệm vụ đánh đắm một tàu hải quân Hàn Quốc năm 2010 khiến 46 thủy thủ thiệt mạng. Đoàn của ông Kim Yong-chol cũng sẽ gặp Tổng thống Moon. Nhà Xanh cho biết chưa có kế hoạch chính thức nào để quan chức Mỹ và Triều Tiên gặp nhau.
Châm ngòi biểu tình
Ông Kim Yong-chol là Phó chủ tịch Ủy ban trung ương đảng Lao động Triều Tiên và từng giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục Trinh sát, tức cơ quan tình báo quân sự cao nhất của Triều Tiên mà Hàn Quốc cáo buộc là cơ quan gây ra vụ đánh đắm tàu Cheonan của họ. Nhưng Triều Tiên phủ nhận liên quan vụ việc này. Hàn Quốc hôm qua nói rằng, họ cấp phép để ông Kim Yong-chol đến Olympic là vì mục đích hòa bình và kêu gọi người dân hiểu điều này.
“Theo tình hình hiện nay, chúng tôi quyết định tập trung vào việc liệu hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và sự cải thiện quan hệ liên Triều có thể bắt nguồn từ đối thoại (với các quan chức Triều Tiên sang thăm) hay không, chứ không phải quá khứ hay bản thân họ là ai”, Phát ngôn viên Bộ Thống nhất Hàn Quốc Baik Tae-hyun nói trong một buổi thông tin cho báo chí.
Một nghị sĩ Hàn Quốc được cơ quan tình báo nước này cung cấp thông tin hôm qua nói rằng ông Kim Yong-chol là “người phù hợp” cho các cuộc đối thoại phi hạt nhân hóa. “Ông Kim Yong-chol là quan chức hàng đầu về quan hệ liên Triều và ông ấy được chấp nhận ở đây như một người phù hợp để thảo luận nhiều vấn đề như giảm bớt căng thẳng quân sự, cải thiện quan hệ hai miền và phi hạt nhân hóa”, CNN dẫn lời nghị sĩ Kang Seok-ho nói với các phóng viên.
Ông Kim Yong-chol hiện là người đứng đầu Cục Mặt trận thống nhất, cơ quan chịu trách nhiệm xử lý các vấn đề liên Triều của Triều Tiên. Việc Hàn Quốc quyết định cho phép ông Kim, một người đang nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ và Hàn Quốc, đi qua biên giới đã châm ngòi cho cuộc biểu tình của người thân những thủy thủ thiệt mạng trên tàu Cheoman và các đảng đối lập.
Hôm qua, khoảng 70 thành viên của đảng Tự do Hàn Quốc tổ chức biểu tình trước Nhà Xanh để đòi chính phủ rút lại quyết định này. “Quyết định của Tổng thống Moon về việc chấp nhận bộ mặt hòa bình của Triều Tiên là vấn đề nghiêm trọng và sẽ đi vào lịch sử như một tội ác vĩnh cửu”, đảng Tự do Hàn Quốc tuyên bố. Một nhóm thân nhân các thủy thủ thiệt mạng trong vụ đắm tàu Cheonan tuyên bố sẽ tổ chức họp báo trong hôm nay để phản đối quyết định của chính phủ.
Thừa nhận phản ứng giận dữ của người dân trước chuyến thăm của ông Kim Yong-chol, Phát ngôn viên Baik nói quan điểm của Hàn Quốc rằng vụ đánh đắm tàu Cheonan là do Triều Tiên gây ra không thay đổi. “Tuy nhiên, điều quan trọng là những nỗ lực nhằm tạo ra hòa bình thực sự trên bán đảo Triều Tiên để những kiểu gây hấn như vậy sẽ không tái diễn nữa”, ông Baik nói. Ông cũng cho biết chính phủ sẽ có nhiều nỗ lực để giải tỏa quan ngại của người dân.