Chính quyền Mỹ nói rằng họ kích hoạt cơ chế “phản ứng nhanh” trong nghị quyết của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ để cho phép kích hoạt các điều khoản trừng phạt Iran từ tối 19/9, nghĩa là 30 ngày sau khi ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo với HĐBA rằng, Iran không tuân thủ các nghĩa vụ theo Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA).
“Mỹ có hành động này vì, không chỉ do sự thất bại của Iran trong tuân thủ những cam kết trong JCPOA mà HĐBA cũng thất bại trong việc gia hạn cấm vận vũ khí đối với Iran. Những biện pháp cấm vận đó đã được áp dụng trong 13 năm qua”, Reuters dẫn lời ông Pompeo nói trong một tuyên bố.
“Theo các quyền của chúng tôi…,chúng tôi kích hoạt tiến trình phản ứng nhanh để khôi phục gần như tất cả các biện pháp trừng phạt của LHQ bị dừng lại trước đây, bao gồm cấm vận vũ khí. Thế giới nhờ đó sẽ được an toàn”, ông Pompeo nói.
Chính quyền Mỹ tuyên bố bất kỳ quốc gia thành viên LHQ nào không tuân thủ các biện pháp trừng phạt sẽ đối diện với hậu quả: bị từ chối tiếp cận hệ thống tài chính và thị trường Mỹ.
“Nếu tất cả quốc gia thành viên LHQ không hoàn thành nghĩa vụ triển khai các biện pháp trừng phạt này, Mỹ đã chuẩn bị sử dụng các quyền trong nước của chúng tôi để gây hậu quả cho bất kỳ ai không tuân thủ và bảo đảm rằng Iran không thu được lợi ích gì từ hoạt động bị LHQ cấm”, ông Pompeo tuyên bố. Ngoại trưởng Mỹ nói trong những ngày tới sẽ thông báo các biện pháp mà Washington triển khai đối với “những nước vi phạm”.
Khi chỉ còn 45 ngày nữa là đến cuộc bầu cử tổng thống, Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sẽ thông báo các biện pháp trừng phạt trong bài phát biểu trước Đại hội đồng LHQ vào ngày 22/9. Tuy nhiên, Washington gần như đơn độc trong vấn đề này. Tất cả các cường quốc gồm Trung Quốc, Nga và cả các đồng minh châu Âu của Mỹ đều phản đối.
“Bất kỳ quyết định hay hành động nào đi kèm với quan điểm tái áp dụng các biện pháp trừng phạt cũng sẽ không có hiệu lực pháp lý”, Pháp, Anh và Đức tuyên bố trong thư chung gửi ngày 18/9 lên HĐBA.
Ngày 20/9, Iran kêu gọi cả thế giới đoàn kết chống lại Mỹ. “Chúng tôi kỳ vọng cộng đồng quốc tế và tất cả quốc gia trên thế giới đứng lên chống lại những hành động liều lĩnh của Nhà Trắng và nói một tiếng nói thống nhất”, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh nói.
Thất bại lớn
Hồi giữa tháng 8, chính quyền Tổng thống Trump vấp phải thất bại lớn tại HĐBA khi đề xuất kéo dài lệnh cấm vận vũ khí truyền thống đối với Tehran, khi những biện pháp này sẽ hết hạn vào tháng 10 tới.
Khi đó, ông Pompeo chỉ trích Pháp, Anh và Đức, cáo buộc những nước này “đứng về phe các giáo chủ Iran”.
Các biện pháp trừng phạt Iran được dỡ bỏ từ năm 2015 khi Iran ký một thoả thuận quốc tế để cam kết không chế tạo vũ khí hạt nhân. Nhưng ông Trump nói rằng thoả thuận (đạt được dưới thời người tiền nhiệm Barack Obama) không đầy đủ, nên đã rút Mỹ khỏi thoả thuận này vào năm 2018, sau đó tái áp dụng và bổ sung các biện pháp trừng phạt đơn phương đối với Iran.
Đến nay, Mỹ khẳng định họ vẫn là một bên tham gia thoả thuận, nhưng chỉ để kích hoạt cơ chế phản ứng nhanh. Gần như tất cả thành viên trong HĐBA phản đối Washington dùng điều khoản này, và hội đồng không ủng hộ tái trừng phạt Iran. Nhưng chính quyền Mỹ vẫn hành động như thế các biện pháp trừng phạt quốc tế vẫn còn nguyên, trong khi phần còn lại của thế giới tiếp tục hành động như thể không có gì thay đổi ở Mỹ.
Washington tuyên bố rằng lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran được kéo dài “vô thời hạn” và nhiều hoạt động liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Tehran giờ phải chịu các biện pháp trừng phạt quốc tế. Nhưng “tôi không thấy điều gì xảy ra. Nó sẽ chỉ là một tuyên bố. Nó giống như việc bóp cò mà không có viên đạn nào bay ra”, một nhà ngoại giao tại LHQ nhận xét. Một nhà ngoại giao khác mô tả phản ứng đối với hành động “đơn phương” của Mỹ: “Nga và Trung Quốc đang ngồi rung đùi, ăn bỏng ngô và xem” Washington và các đồng minh châu Âu cãi cọ.