Như Tiền Phong đã đưa tin, Khu LHTTQG Mỹ Đình (trong bài gọi tắt là Mỹ Đình), vừa qua đã tiến hành dự án cải tạo sân vận động gồm 2 giai đoạn, với tổng kinh phí 50 tỉ đồng.
Giai đoạn một thực hiện việc thi công chống sụt lún đã hoàn thiện, với kinh phí 20 tỉ đồng. Riêng giai đoạn hai của dự án, trải thảm cao su cho đường chạy trong sân vận động, lãnh đạo Mỹ Đình khi trả lời Tiền Phong hồi tháng 10/2016 đã cho biết, vẫn đang chờ Bộ VH-TT&DL phê duyệt ngân sách để tiếp tục triển khai. Tuy nhiên, thông tin của Tiền Phong vừa qua cho hay, dự án này cùng với dự án cải tạo khán đài C, D của sân Mỹ Đình đã được Bộ VH-TT&DL thu lại, chuyển sang Ban quản lý dự án miền Bắc. Kinh phí thực hiện dự án này là 29 tỉ đồng, đã được Bộ Xây dựng phê duyệt.
Sau 13 năm đi vào sử dụng và hoạt động, sân vận động quốc gia Mỹ Đình đã bị xuống cấp nhiều hạng mục công trình. Một số vị trí trên khán đài bị nứt, lớp thảm cao su bong tróc…Trả lời Tiền Phong, Giám đốc Khu LHTTQG Mỹ Đình Cấn Văn Nghĩa xác nhận, Mỹ Đình đã bàn giao các dự án trên lại cho Bộ VH-TT&DL. “Các sân vận động trên thế giới bình thường 4-5 năm đã phải thay lớp thảm cao su, cho dù có thể chưa hỏng. Có như vậy mới đảm bảo chất lượng phục vụ việc thi đấu của VĐV. Nhưng riêng sân Mỹ Đình dù sử dụng đã hơn chục năm, bây giờ mới thay là quá muộn”-ông Cấn Văn Nghĩa cho biết. Theo ông Cấn Văn Nghĩa, việc Mỹ Đình bàn giao lại các dự án trên cho Ban quản lý các dự án miền Bắc của Bộ VH-TT&DL là thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ.
Giải quyết dứt điểm vi phạm, không bao che
Từ năm 2012, Mỹ Đình được Bộ VH-TT&DL cho phép thực hiện tự chủ về tài chính. Lợi dụng chủ trương này, lãnh đạo Mỹ Đình đã “bung” ra, cho hàng loạt đơn vị, tổ chức và cá nhân thuê mặt bằng mở hoạt động kinh doanh: quán nhậu, massage, ga-ra ô tô… dẫn đến nhiều vi phạm tràn lan về trật tự đô thị.
Năm 2015, quận Nam Từ Liêm đã ra một loạt văn bản xử phạt đối các doanh nghiệp ký hợp đồng với Mỹ Đình, yêu cầu đình chỉ nhiều công trình nhưng…không ăn thua. Trả lời Tiền Phong hồi đầu tháng 11/2016, Trưởng phòng quản lý đô thị quận Nam Từ Liêm Nguyễn Huy Cường cho biết, quận bất lực trong việc giải quyết tình trạng vi phạm trên, và đã có văn bản báo cáo thành phố Hà Nội, Bộ VH-TT&DL.
Trao đổi với Tiền Phong hôm 14/12, một quan chức Bộ VH-TT&DL cho biết, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã có 2 cuộc làm việc với Giám đốc Mỹ Đình Cấn Văn Nghĩa. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã yêu cầu Mỹ Đình có báo cáo bằng văn bản để Bộ báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ. Trả lời câu hỏi của Tiền Phong, hoạt động tự chủ tài chính của Mỹ Đình gây nhiều ý kiến trong dư luận, liệu Bộ VH-TT&DL có nên xem xét để đánh giá lại hiệu quả, quan chức trên cho biết: “Việc báo cáo, đánh giá hoạt động của các đơn vị như Mỹ Đình cần được thực hiện thường xuyên. Quan điểm của Bộ là nếu xảy ra vi phạm thì không bao che. Tới đây, Bộ sẽ chỉ đạo giải quyết dứt điểm, nếu công trình nào vi phạm sẽ phải thu hồi. Còn nếu Mỹ Đình vi phạm thì quận và thành phố cứ xử lý”.
Trả lời Tiền Phong, Giám đốc Cấn Văn Nghĩa cho biết Mỹ Đình chỉ làm theo chủ trương, “quá trình làm nếu có gì sai thì sẽ điều chỉnh theo hướng tốt hơn”. Ông Cấn Văn Nghĩa nói: “Còn chuyện Phòng quản lý đô thị quận Nam Từ Liêm nói là việc của người ta. Anh phát ngôn như vậy là không đúng chức năng tham mưu cho lãnh đạo quận”.
Theo ông Cấn Văn Nghĩa, công trình thể thao thì phải có dịch vụ đi kèm. “Quan điểm là dịch vụ thì phải đa dạng, miễn không sai pháp luật. Trước kia có người nói ở đây cho mở cả dịch vụ massage đá nóng thì thế nọ, thế kia. Nhưng thực tế trong công năng của công trình có rồi. Mà massage có bị pháp luật cấm không? Người ta làm lành mạnh, còn nếu mại dâm thì họ tự chịu trách nhiệm với luật pháp. Dịch vụ là để phục vụ con người chứ phục vụ ai”-ông Cấn Văn Nghĩa nói.
Theo ông Cấn Văn Nghĩa, từ khi thực hiện tự chủ tài chính, nhiều dự án của Mỹ Đình tốn 5-6 tỷ đồng đáng nhẽ thuộc dự án tập trung của Bộ VH-TT&DL, Bộ phải chi tiền nhưng Mỹ Đình vẫn “thắt lưng, buộc bụng” để làm.