Mỹ điều tàu sân bay đến gần Israel

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cho biết, Mỹ sẽ đưa nhiều tàu và máy bay quân sự đến gần Israel để thể hiện sự ủng hộ đối với quốc gia đồng minh. Washington tin rằng các cuộc tấn công của Hamas có thể nhằm phá hỏng khả năng bình thường hóa quan hệ giữa Israel - Ả-rập Xê-út.
Mỹ điều tàu sân bay đến gần Israel ảnh 1

Tàu sân bay USS Gerald R Ford của Mỹ ở vịnh Oslo, Na Uy, ngày 24/5. (Ảnh: Reuters)

Ngày 7/10, các tay súng Hamas tràn vào nhiều thị trấn của Israel khi đất nước này phải trải qua ngày đẫm máu nhất trong nhiều thập kỷ. Israel tấn công đáp trả nhằm vào người Palestine bằng các cuộc không kích Dải Gaza trong ngày 8/10, khiến hàng ngàn người của hai bên thiệt mạng. Bạo lực gia tăng gây nguy cơ dẫn đến một cuộc chiến tranh lớn ở Trung Đông.

Bộ trưởng Austin cho biết trong một tuyên bố rằng ông đã ra lệnh di chuyển Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Gerald R Ford tới Đông Địa Trung Hải, đến gần Israel hơn. Lực lượng này bao gồm tàu sân bay, một tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường và 4 tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường.

Ông Austin cũng cho biết, Mỹ đã thực hiện những hành động để tăng cường các phi đội máy bay chiến đấu F-35, F-15, F-16 và A-10 của Không quân Mỹ trong khu vực. Ông cho biết Mỹ cũng sẽ cung cấp đạn dược cho Israel.

Ngày 8/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với Thủ tướng Benjamin Netanyahu rằng viện trợ bổ sung cho Lực lượng Phòng vệ Israel đang được chuyển tới và sẽ có thêm nhiều viện trợ khác trong những ngày tới. Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cũng đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Israel Isaac Herzog.

Trong một tuyên bố sau đó, Lầu Năm Góc cho biết ông Austin đã trao đổi với Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant để cập nhật về phản ứng của Mỹ và "bày tỏ sự ủng hộ đối với người dân Israel cũng như nhận thông tin cập nhật về hoạt động của Israel nhằm khôi phục an ninh và an toàn trước cuộc tấn công của Hamas".

“Bộ trưởng tái khẳng định sự ủng hộ vững chắc của Mỹ đối với quyền tự vệ của Israel. Bộ trưởng nhấn mạnh rằng các bước đi của Mỹ được thực hiện để nhằm tăng cường các nỗ lực răn đe trong khu vực", tuyên bố cho biết.

Cùng ngày, vài chục người biểu tình ủng hộ Palestine tập trung tại quảng trường Thời đại ở thành phố New York và gần Nhà Trắng ở Washington để phản đối việc Mỹ ủng hộ Israel. Một số người biểu tình mang theo các biểu ngữ có nội dung "Chấm dứt viện trợ của Mỹ" và "Phản kháng không phải là khủng bố".

Cuộc tấn công của Hamas lần này là cuộc tấn công lớn nhất và nguy hiểm nhất vào Israel kể từ khi Ai Cập và Syria phát động cuộc tấn công bất ngờ nhằm đòi lại lãnh thổ đã mất trong cuộc chiến Yom Kippur 50 năm trước.

“Sẽ không có gì ngạc nhiên khi một phần động cơ (của cuộc tấn công) có thể để làm gián đoạn nỗ lực gắn kết Ả-rập Xê-út và Israel, cùng với các quốc gia khác có thể quan tâm đến việc bình thường hóa quan hệ với Israel”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói với CNN.

Hamas nói rằng họ thực hiện cuộc tấn công là vì những hành động leo thang của Israel nhằm vào người Palestine ở Bờ Tây và Jerusalem, cũng như đối với người Palestine trong các nhà tù của Israel.

Tháng trước, ông Netanyahu bày tỏ tin tưởng rằng Israel đang trên đà đạt được hòa bình với Ả-rập Xê-út, cho rằng động thái này có thể định hình lại Trung Đông. Ả-rập Xê-út, quê hương của hai ngôi đền linh thiêng nhất của đạo Hồi, từ lâu đã nhấn mạnh quyền thành lập nhà nước của người Palestine như một điều kiện để công nhận Israel về ngoại giao.

Ngày 8/10, Mỹ khẳng định các nỗ lực bình thường hóa quan hệ giữa Ả-rập Xê-út – Israel vẫn sẽ tiếp tục, bất chấp đợt tấn công lần này.

“Chúng tôi nghĩ rằng sẽ có lợi cho cả hai nước nếu tiếp tục theo đuổi khả năng này”, Phó cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jon Finer nói với Fox News.

Số người thiệt mạng trong đợt xung đột lần này đã lên hơn 1.000 người, trong đó có ít nhất 3 công dân Mỹ, CNN đưa tin. Nhiều quốc gia cũng đã báo cáo công dân của họ thiệt mạng, bắt cóc hoặc mất tích, bao gồm Brazil, Anh, Pháp, Đức, Ireland, Mexico, Nepal, Thái Lan, và Ukraine.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG