Xung đột Israel – Hamas trở thành ‘ác mộng’ với Tổng thống Mỹ Biden

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tình hình bạo lực bùng nổ ở Israel khiến Tổng thống Mỹ Joe Biden phải đối mặt với một tình thế ngoại giao phức tạp không giống bất kỳ cuộc xung đột nào trước đây giữa người Israel và Palestine.
Xung đột Israel – Hamas trở thành ‘ác mộng’ với Tổng thống Mỹ Biden ảnh 1

Xung đột bùng nổ giữa Hamas và Israel khiến kế hoạch của Mỹ với Trung Đông trở nên phức tạp. (Ảnh: AP)

Cuộc xung đột lần này trở thành một trong những vấn đề địa - chính trị bất ổn nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden, trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine đang gây căng thẳng chính trị trong nước.

Trong cuộc điện đàm ngày 7/10, ông Biden nói với Thủ tướng Netanyahu: “Chúng tôi sẵn sàng cung cấp mọi phương tiện hỗ trợ thích hợp cho chính phủ và người dân Israel”.

Phát biểu từ Nhà Trắng sau đó, ông Biden khẳng định sự hỗ trợ của chính quyền Mỹ đối với an ninh của Israel là “vững chắc và không lay chuyển”.

Lần gần đây nhất khi bạo lực lớn nổ ra giữa Hamas và Israel, Tổng thống Biden và các quan chức cấp cao Mỹ đã đóng vai trò hậu trường quan trọng để đạt được lệnh ngừng bắn. Khi đó, ông Biden trao đổi với ông Netanyahu sáu lần, và một lần với Tổng thống Chính quyền Palestine Mahmoud Abbas và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi.

Các quan chức Mỹ liên lạc liên tục với người đồng cấp ở khu vực và nhờ lãnh đạo ở Ai Cập và Qatar trao đổi với các nhóm chiến binh Palestine ở Dải Gaza để tìm kiếm thỏa thuận ngừng bắn.

Một số đồng minh thuộc đảng Dân chủ muốn Tổng thống Biden phản ứng mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, các quan chức cấp cao của Nhà Trắng tính toán rằng sẽ hiệu quả hơn nếu hợp tác lặng lẽ với các đồng minh để chấm dứt bạo lực.

Đó là những việc diễn ra hơn 2 năm trước. Từ đó đến nay, quan hệ giữa Mỹ-Israel trở nên phức tạp hơn theo cấp số nhân.

Ông Biden đã lên tiếng mạnh mẽ phản đối những nỗ lực của chính phủ Netanyahu trong việc cải tổ tư pháp, điều mà nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng sẽ làm xói mòn nền dân chủ. Quan điểm đó làm căng thẳng mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo và cuộc gặp trực tiếp giữa hai người bị hoãn mãi đến tháng trước, khi hai người cùng dự kỳ họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York. Khi đó, ông Biden thừa nhận rằng hai người có rất nhiều “vấn đề khó khăn” cần thảo luận.

Những nỗ lực của Thủ tướng Netanyahu nhằm duy trì liên minh cầm quyền cực hữu có thể khiến việc can thiệp ngoại giao của Mỹ vào cuộc xung đột càng trở nên khó khăn hơn.

Và tình hình chính trị của người Palestine hiện nay càng làm phức tạp thêm phản ứng ngoại giao của Mỹ khi Washington muốn tìm kiếm nhóm phù hợp trong số người Palestine để đối thoại.

Mới tuần trước, ông Biden hy vọng sắp hoàn thành một thỏa thuận lớn với Israel và Ả-rập Xê-út, để hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức, điều có khả năng làm thay đổi toàn bộ tình hình Trung Đông.

Người ta kỳ vọng rằng thỏa thuận này sẽ bao gồm một số nhượng bộ nhất định của Thủ tướng Netanyahu đối với người Palestine, bao gồm khả năng đóng băng các khu định cư và đồng ý thành lập một nhà nước Palestine.

Tuy nhiên, tình trạng bạo lực bùng phát ngày 7/10 khiến viễn cảnh ông Netanyahu đồng ý với những nhượng bộ đó sẽ cực kỳ khó khăn.

Tình hình bạo lực đó sẽ sớm trở thành vấn đề chính trị bất lợi với ông Biden.

Cuối tuần qua, các ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa đã chỉ trích chính quyền Biden, trong đó cựu Tổng thống Donald Trump, cho rằng việc chính quyền Mỹ hủy đóng băng tiền của Iran trong ngân hàng là “phản bội Israel”.

“Joe Biden đã phản bội Israel, ông ta đã phản bội đất nước chúng ta. Với tư cách là tổng thống, tôi sẽ một lần nữa sát cánh cùng Israel và chúng tôi sẽ cắt tiền cho Palestine ngay từ ngày đầu tiên”, ông Trump nói khi vận động tranh cử ở Iowa.

Cựu Thống đốc New Jersey Chris Christie, một ứng cử viên khác cho cuộc bầu cử tổng thống 2024, cũng gắn thỏa thuận giữa Mỹ-Iran với bạo lực ở Israel, cho rằng Tổng thống Biden “đã thể hiện sự yếu đuối và thiếu quyết đoán”.

Theo CNN
MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.