Mỹ, châu Âu lo nguy cơ khủng hoảng tín dụng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Căng thẳng trong hệ thống ngân hàng đang được giám sát chặt chẽ để đề phòng nguy cơ xảy ra khủng hoảng tín dụng, một quan chức của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho biết ngày 26/3. Châu Âu cũng cảnh báo khả năng thắt chặt cho vay.

Các cơ quan chức năng trên khắp thế giới đang cảnh giác cao độ về hệ lụy của những vụ khủng hoảng ngân hàng gần đây, bắt đầu từ thất bại của hai ngân hàng Sillicon Valley và Signature ở Mỹ, cho đến cuộc giải cứu Credit Suisse cách đây 1 tuần. Tuần qua kết thúc với các chỉ số của thị trường tài chính thể hiện sự căng thẳng. Đồng euro giảm giá so với đô la Mỹ, trái phiếu chính phủ khu vực đồng euro giảm mạnh và chi phí bảo hiểm phòng vỡ nợ ngân hàng tăng vọt, bất chấp nỗ lực trấn an của các nhà hoạch định chính sách.

Mỹ, châu Âu lo nguy cơ khủng hoảng tín dụng ảnh 1

Khu vực trung tâm tài chính London Ảnh: Reuters

Trong nỗ lực mới nhất để trấn an các nhà đầu tư, Bộ Tài chính Mỹ hôm 24/3 cho biết, Hội đồng giám sát ổn định tài chính thống nhất rằng hệ thống ngân hàng của Mỹ “lành mạnh và có sức chống chịu”. “Điều chúng tôi thấy chưa rõ ràng là những căng thẳng trong hệ thống ngân hàng hiện nay chừng nào sẽ dẫn đến khủng hoảng tín dụng diện rộng. Cuộc khủng hoảng đó sẽ làm chậm nền kinh tế. Đó là điều chúng tôi đang giám sát rất chặt chẽ”, ông Neel Kashkari, chủ tịch Fed Minneapolis, nói trong chương trình “Face the Nation” của CBS. Ông Kashkari là một trong những nhà hoạch định chính sách diều hâu nhất của Fed trong ủng hộ tăng lãi suất để chống lạm phát.

Ngân hàng lớn nhất của Đức nguy cơ “lây bệnh” từ Credit Suisse

Ngày 24/3, cổ phiếu của Deutsche Bank lao dốc, sau khi phí bảo hiểm nợ của ngân hàng này tăng vọt lên mức cao nhất trong hơn 4 năm, thể hiện lo ngại của giới đầu tư đối với tính ổn định của các ngân hàng châu Âu. Sau khi đã giảm giá hơn 1/5 trong tháng này, cổ phiếu Deutsche tiếp tục giảm 14,9% trong ngày 24/3 để xuống mức thấp nhất trong 5 tháng. Ngân hàng lớn nhất của Đức chứng kiến 3 tỷ USD bị thổi bay khỏi thị trường chỉ trong vòng 1 tuần.

Chỉ trong vòng mấy ngày, hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng của Deutsche Bank, một hình thức bảo hiểm cho trái chủ, tăng vọt từ 142 lên hơn 220 điểm cơ bản, cao nhất kể từ cuối năm 2018, theo số liệu của hãng phân tích thị trường S&P Market Intelligence.

Trong khi đó tại châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tin rằng những biến động trong ngành ngân hàng gần đây có thể khiến tăng trưởng chậm lại và lạm phát giảm, Phó Chủ tịch ECB Luis de Guindos cho biết. “Ấn tượng của chúng tôi là những hỗn loạn đó sẽ dẫn đến việc thắt chặt hơn các tiêu chuẩn tín dụng trong khu vực đồng euro. Và có lẽ điều này sẽ khiến tăng trưởng chậm lại và lạm phát giảm”, ông Guindos nói với báo Business Post.

Sau khi Chính phủ Thụy Sĩ thúc đẩy UBS tiếp quản Credit Suisse, ngân hàng lớn nhất của Đức Deutsche Bank trở thành nỗi lo của giới đầu tư, những căng thẳng đột ngột trong ngành ngân hàng đặt ra câu hỏi rằng liệu các ngân hàng trung ương lớn có tiếp tục tăng lãi suất quyết liệt để hạ lạm phát hay không.

Ông Erik Nielsen, cố vấn kinh tế trưởng tại tập đoàn ngân hàng và dịch vụ tài chính UniCredit ở London, cho rằng các ngân hàng trung ương không nên tách chính sách tiền tệ khỏi ổn định tài chính, vào thời điểm đang có nhiều lo ngại rằng những khó khăn của ngân hàng sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính quy mô lớn. “Các ngân hàng trung ương lớn, trong đó có Fed và ECB, nên ra tuyên bố chung để khẳng định sẽ không tăng lãi suất thêm nữa, ít nhất cho đến khi các thị trường tài chính ổn định”, ông Nielsen viết trong lưu ý đưa ra ngày 26/3.

MỚI - NÓNG