Ngân hàng lớn nhất của Đức nguy cơ ‘lây bệnh’ từ Credit Suisse

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 24/3, cổ phiếu của Deutsche Bank lao dốc, sau khi phí bảo hiểm nợ của ngân hàng này tăng vọt lên mức cao nhất trong hơn 4 năm, thể hiện lo ngại của giới đầu tư đối với tính ổn định của các ngân hàng châu Âu.
Ngân hàng lớn nhất của Đức nguy cơ ‘lây bệnh’ từ Credit Suisse ảnh 1

Trước văn phòng của Deutsche Bank ở London ngày 16/3. (Ảnh: Reuters)

Ngành ngân hàng trải qua khó khăn lớn trong tuần qua, khi cú giải cứu ngân hàng Credit Suisse mà Chính phủ Thuỵ Sĩ đứng sau và tình trạng hỗn loạn trong các ngân hàng quy mô trung bình của Mỹ làm dấy lên lo ngại về sức khoẻ của hệ thống ngân hàng toàn cầu.

Sau khi đã giảm hơn 1/5 giá trong tháng này, cổ phiếu Deutsche tiếp tục giảm 14,9% trong ngày 24/3 để xuống mức thấp nhất trong 5 tháng.

Ngân hàng lớn nhất của Đức chứng kiến 3 tỷ USD bị thổi bay khỏi thị trường chỉ trong vòng 1 tuần.

Chỉ trong vòng mấy ngày, hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) của Deutsche Bank, một hình thức bảo hiểm cho trái chủ, tăng vọt từ 142 lên hơn 220 điểm cơ bản, cao nhất kể từ cuối năm 2018, theo số liệu của hãng phân tích thị trường S&P Market Intelligence.

Ngày 23/3, CDS của Deutsche tăng với mức cao nhất tính theo ngày, theo số liệu của hãng Refinitiv, nhưng vẫn chưa chạm đến mốc 300 như trong cuộc khủng hoảng nợ khu vực đồng euro năm 2011.

CDS của các ngân hàng châu Âu lớn đều tăng trong ngày 24/3, cho thấy giới đầu tư miễn cưỡng chấp nhận rủi ro trong danh mục đầu tư của họ.

“Deutsche Bank đã trở thành tiêu điểm trong một thời gian rồi, tương tự như tình trạng của Credit Suisse”, Stuart Cole, trưởng bộ phận kinh tế vĩ mô tại hãng dịch vụ tài chính Anh Equiti Capital, cho biết.

“Ngân hàng đó đã trải qua nhiều đợt tái cấu trúc và thay đổi lãnh đạo nhằm đưa nó trở lại nền tảng vững chắc, nhưng đến nay những nỗ lực đó có vẻ không thực sự hiệu quả”, Cole cho biết

Deutsche Bank từ chối bình luận.

Tuy nhiên, bất chấp những biến động trong thời gian qua, các nhà quan sát thị trường cho rằng giới quản lý và các ngân hàng trung ương quyết tâm giữ ổn định thị trường, và bản thân các ngân hàng đã được vốn hoá và quản lý tốt hơn so với năm 2007, thời điểm trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

“Chúng tôi không lo ngại về khả năng sống sót và tài sản của Deutsche. Cần nói rõ, Deutsche không phải là Credit Suisse tiếp theo”, báo cáo của Autonomous, một nhà nghiên cứu độc lập, khẳng định.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.