Mỹ bắt tay Cuba: Kết thúc kỷ nguyên chiến tranh lạnh

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Raul Castro bắt tay thân mật.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Raul Castro bắt tay thân mật.
TPO - Cuộc hội đàm cấp cao giữa Tổng thống Mỹ Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro hôm 11/4 đã thành công ngoài mong đợi. Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí thúc đẩy lộ trình cải thiện quan hệ sau hơn 5 thập kỷ thù địch. Câu hỏi đặt ra là lí do gì Mỹ và Cuba quyết định bình thường hóa quan hệ sau cả nửa thập kỷ căng thẳng?

Cuộc hội đàm lịch sử

Trong cuộc gặp trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Mỹ và Cuba kể từ năm 1956 vào hôm 11/4 vừa qua, cả hai nhà lãnh đạo đều thừa nhận, Mỹ và Cuba còn phải làm rất nhiều việc nữa để hàn gắn mối quan hệ sau nhiều thập kỷ đứt đoạn. 

Hai  bên cho rằng còn  có những quan điểm khác biệt về nhân quyền và những vấn đề khác, nhưng “sẽ tôn trọng ý kiến của các bên”.

Hai bên cam kết mở đại sứ quán tại nước kia và ông Obama cho biết sẽ cân nhắc đưa Cuba ra khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố trong những ngày tới. 

Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodríguez nêu rõ, cuộc gặp giữa ông với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng như cuộc hội đàm giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Castro cho phép hai nước xích gần nhau hơn.

“Kết quả chủ yếu là hai chính phủ hiện nay đã hiểu nhau hơn. Chúng tôi nhận thức rõ hơn các lợi ích chung và hiểu rõ về phạm vi cũng như mức độ khác biệt”, ông Rodríguez nói.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Benjamin Rhodes cho rằng, chính sách trước đây của Mỹ thay vì cô lập Cuba lại cô lập chính Mỹ khỏi khu vực sân sau Mỹ La tinh. Vì thế, Mỹ sẽ không chỉ mở cửa hơn với Cuba mà còn thúc đẩy các mối quan hệ xây dựng hơn trong toàn khu vực.

Các Nhà lãnh đạo hoan hỉ

Ngay sau cuộc gặp giữa Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống Mỹ Barack Obama, nhiều nhà lãnh đạo khu vực đã lên tiếng ca ngợi cuộc tiếp xúc trực tiếp này.

Tổng thống Brazil Dilma Rousseff coi cuộc gặp thượng đỉnh Cuba-Mỹ là sự kết thúc những tàn dư cuối cùng của Chiến tranh Lạnh. Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto nhiệt liệt hoan nghênh cuộc gặp gỡ lịch sử Cuba-Mỹ.
 

Người dân Havana chào mừng các tù nhân Cuba bị giam ở Mỹ trở về và thỏa thuận Mỹ - Cuba - Ảnh: Reuters
Người dân Havana chào mừng các tù nhân Cuba bị giam ở Mỹ trở về và thỏa thuận Mỹ - Cuba. Ảnh:Reuters

Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos ca ngợi “lòng dũng cảm” của các nhà lãnh đạo Mỹ và Cuba để giúp hiện thực hóa “giấc mơ về một châu lục có hòa bình vĩnh cửu giữa các quốc gia”.

Ngoại trưởng Chile Heraldo Munoz tuyên bố: “Đây là bước đầu của sự kết thúc đối với cuộc chiến tranh lạnh tại châu Mỹ”.

Ở Đức, Ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier gọi thỏa thuận Mỹ - Cuba là “thông tin tốt lành trong thời điểm thế giới có quá nhiều xung đột”.

Liên minh châu Âu (EU) cho rằng đây là “bước ngoặt mang tính lịch sử”. “Thêm một bức tường chiến tranh lạnh khác sụp đổ” - Cao ủy đối ngoại EU Federica Mogherini tuyên bố.

Lí do khiến Mỹ bắt tay Cuba

Theo thống kê của Phòng Thương mại Mỹ, 54 năm cấm vận thương mại khiến nền kinh tế Cuba thiệt hại 1.100 tỷ USD. Kinh tế Mỹ cũng thiệt hại 1,2 tỷ USD mỗi năm.

Có thể thấy Cuba nằm giữa vùng biển Ca-ri-bê và Bắc Đại Tây Dương, cách bờ biển phía Nam Key West của bang Florida 150 km, án ngữ lối vào vịnh Mê-xi-cô, giữa Bắc, Trung và Nam Mỹ.

Cuba trải dài trên 1. 600 hòn đảo, trong đó lớn nhất là đảo Cuba với diện tích 110,922 km2 và đảo Thanh Niên là 3,061 km2. Có thể thấy, Cuba là một “pháo đài quân sự” hoàn hảo, một “cửa khẩu ra biển” chiến lược cho khu vực giáp vịnh Mê-xi-cô. Kết thân được với Cu-ba hoặc hơn nữa là kéo Cu-ba về phe mình, Mỹ hoàn toàn được bao bọc bởi hàng rào an ninh tuyệt đối.

Xét thấy các đối thủ của mình là Nga, Iran và gần đây nhất là Trung Quốc đã và đang tập trung đầu tư vào Cu-ba, một đất nước khôn ngoan như Mỹ không thể nào không quan tâm đến “láng giềng” của mình.

Hiện nay, Trung Quốc đang là “đại gia” đầu tư nhiều nhất vào Cu-ba. Nhìn xa trông rộng, Trung Quốc đã nắm trong tay cảng biển lớn nhất của Cu-ba, và được dự đoán là lớn nhất vùng Ca-ri-bê vào năm 2015 tại khu công nghiệp Mariel.

Còn Nga, hồi tháng 7/2014, Tổng thống Putin đã thăm chính thức Cu-ba và xóa đến 90% (tương đương 30 tỷ USD) trong món nợ khổng lồ 35 tỷ USD mà Cu-ba nợ Liên Xô. Thêm vào đó, Moscow cũng ký với Havana một loạt các thỏa thuận hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế, công nghiệp…, đặc biệt là khai thác dầu khí trong vùng biển của Cu-ba.

Mỹ, với tham vọng trở thành ông vua cung cấp dầu mỏ cho thế giới, cũng nhìn thấy Cu-ba sẽ mang lại lợi ích cho kế hoạch của mình cho dù trữ lượng dầu thô ở đất nước láng giềng này không quá dồi dào.

Một trong những giếng dầu và khí đốt dồi dào còn sót lại trên trái đất hiện đang nằm tại bờ biển phía tây bắc Cuba. Người ta cho rằng đất nước này sẽ tăng cường đầu tư vào khai thác dầu thô khi mối quan hệ với Mỹ được cải thiện.

Trong bối cảnh thế giới hướng tới hòa bình, việc Mỹ tái thiết lập quan hệ ngoại giao với Cu-ba được nhiều nước ủng hộ. Bước đi này của Mỹ càng làm tăng thêm lòng tin và thiện cảm của bạn bè quốc tế về một nước Mỹ ưa chuộng hòa bình và thân thiện.

Trong khi đó, Cuba cũng đang gặp khó khăn khi kinh tế Nga và Venezuela suy giảm- hai nước mà Cuba phụ thuộc. Venezuela từng là người bảo trợ quan trọng, gửi cho Cuba khoảng 100.000 thùng dầu mỗi ngày, cùng một khoản viện trợ 5-15 tỉ đô la mỗi năm. Và chắc chắn rằng nếu không còn trợ cấp từ Venezuela, Cuba sẽ một lần nữa rơi vào suy thoái.

Trong khi cải cách kinh tế không đem lại những hiệu quả như mong muốn. Thu nhập giảm. Thiếu hụt hàng hóa trên diện rộng khiến lạm phát tràn lan, với nguy cơ siêu lạm phát ngày một tăng.

Vì vậy, Cuba cũng được đánh giá là khôn ngoan khi biết tận dụng sự trợ giúp của Nga, Trung Quốc và bây giờ là hòa giải với Mỹ để khôi phục kinh tế mà không lựa chọn ngả theo một phe đối đầu nhất định nào.

Mỹ sẽ thực hiện các bước theo hướng khôi phục quan hệ ngoại giao với Cuba vốn bị cắt đứt từ năm 1961. Lệnh cấm đi lại và lệnh cấm vận thương mại vẫn sẽ được áp dụng nhưng những tác động của chúng sẽ giảm đi.  Mỹ sẽ nới lỏng các quy định để người Mỹ có thể lấy giấy phép kinh doanh tại Cuba và đi lại đến hòn đảo này một cách dễ dàng hơn Nới lỏng các hạn chế trong lĩnh vực ngân hàng; Nới lỏng những hạn chế về kiều hối: Người Mỹ có thể gửi được tới 2000 USD mỗi năm cho các thành viên gia đình ở Cuba. Kiều hối từ Mỹ là một nguồn thu nhập lớn cho nhiều gia đình Cuba.

 

Các cột mốc chính trong quan hệ Mỹ - Cuba

Năm 1959: Ông Fidel Castro và lực lượng kháng chiến lật đổ chế độ của nhà lãnh đạo Fulgencio Batista được Mỹ ủng hộ. Năm 1960-1961: Cuba quốc hữu hóa các doanh nghiệp Mỹ mà không đền bù thiệt hại. Mỹ cắt bỏ quan hệ ngoại giao và cấm vận thương mại Cuba để trả đũa. Năm 1961: Cuộc xâm chiếm “Vịnh Con Lợn” của những kẻ lưu vong Cuba do Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) hỗ trợ nhằm lật đổ chế độ Fidel Castro thất bại. Năm 1962: Liên Xô triển khai tên lửa đạn đạo đến Cuba, dẫn tới Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba. Năm 2011: Năm người Cuba, được mệnh danh là “Bộ ngũ Cuba”, bị xử tù ở Miami vì tội làm gián điệp. Năm 2008: Ông Raul Castro lên nắm quyền ở Cuba. Năm 2009: Công dân Mỹ Alan Gross bị bắt ở Cuba vì tội làm gián điệp. Tháng 12/2013: Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro bắt tay tại tang lễ cố lãnh tụ Nam Phi Nelson Mandela.   Ngày 17/12/2014: Ông Alan Gross được trả tự do.

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.