Mỹ - Ấn bàn chuyện hợp tác quân sự

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (phải) được Đại sứ Mỹ tại Ấn Độ Kenneth Juster chào đón khi ông đến sân bay ở New Delhi ngày 26/10. Ảnh: CNN
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (phải) được Đại sứ Mỹ tại Ấn Độ Kenneth Juster chào đón khi ông đến sân bay ở New Delhi ngày 26/10. Ảnh: CNN
TP - “Mỹ và Ấn Độ phải phối hợp với nhau để đối đầu với mối đe dọa an ninh và tự do từ Trung Quốc”, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu hôm qua khi ông chuẩn bị cho các cuộc hội đàm với lãnh đạo Ấn Độ.

Ông Pompeo đến New Delhi hôm 26/10 cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper để đối thoại chiến lược hàng năm vào thời điểm căng thẳng gia tăng trong khu vực, khi quân đội Ấn Độ đối đầu với lực lượng Trung Quốc ở biên giới Himalaya đang tranh chấp.

“Hôm nay là cơ hội mới để hai nền dân chủ lớn như chúng ta xích lại gần nhau hơn”, Ngoại trưởng Pompeo nói trước cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar và Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh.

“Chắc chắn còn nhiều việc phải làm. Chúng ta có rất nhiều điều để thảo luận hôm nay: Sự hợp tác của chúng ta đối với đại dịch bắt nguồn từ Vũ Hán, để đối đầu với các mối đe dọa của Trung Quốc đối với an ninh và tự do nhằm thúc đẩy hòa bình và ổn định trong toàn khu vực”, Reuters dẫn lời ông Pompeo.

Đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump, cứng rắn với Trung Quốc là một phần quan trọng trong chiến dịch chạy đua giành nhiệm kỳ thứ hai trong cuộc bầu cử tổng thống vào tuần tới và ông Pompeo đang cố gắng thúc đẩy các đồng minh chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Ấn Độ có những vấn đề riêng với một Trung Quốc quyết đoán hơn. Vào tháng 6, 20 binh sĩ Ấn Độ đã thiệt mạng trong một cuộc đụng độ với quân đội Trung Quốc ở biên giới, sự việc khiến tâm lý chống Trung Quốc ở Ấn Độ gia tăng và khiến chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi tìm kiếm quan hệ quân sự chặt chẽ hơn với Mỹ.

Trong tháng này, Ấn Độ đã mời Australia tham gia các cuộc tập trận hải quân mà nước này tổ chức hàng năm với Mỹ và Nhật Bản, gạt bỏ lo ngại của Trung Quốc rằng các cuộc tập trận gây bất ổn trong khu vực.

Theo chương trình, Mỹ và Ấn Độ sẽ ký một thỏa thuận quân sự cho phép Ấn Độ tiếp cận dữ liệu bản đồ và vệ tinh tiên tiến của Mỹ để tên lửa và máy bay không người lái của họ cải thiện khả năng hoạt động và tấn công chính xác hơn.

Hợp tác quân sự

Trong một cuộc họp hôm thứ Hai tại thủ đô Ấn Độ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper và người đồng cấp Ấn Độ Rajnath Singh đã thảo luận về “hợp tác giữa quân đội với quân đội” và các cuộc tập trận hải quân Malabar sắp tới, CNN dẫn một tuyên bố từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho hay.

Tuyên bố cũng chỉ ra rằng hai bên sẽ ký Thỏa thuận Hợp tác và Trao đổi Cơ bản (BECA) để cho phép chia sẻ thông tin không gian địa lý nhiều hơn.

Các cuộc tập trận Malabar, được tổ chức ở Ấn Độ Dương vào tháng tới, sẽ có sự tham gia của tất cả các thành viên của nhóm Bộ Tứ, một liên minh không chính thức của Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia, nhằm đối trọng với sức mạnh quân sự của Trung Quốc trong khu vực.

Trong cuộc họp của Bộ Tứ hồi đầu tháng này tại Tokyo, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã phản đối “sự che đậy của Trung Quốc” trong giai đoạn đầu của đại dịch coronavirus. Phát biểu với các phóng viên sau cuộc họp đó, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng “không thể trốn tránh một thực tế rằng chính Trung Quốc và các hành động của họ trong khu vực đã khiến Bộ Tứ thực sự có ý nghĩa quan trọng và phát huy tác dụng trong thời gian này”.

Trong một tuyên bố trước chuyến đi, ông Pompeo nói biết hai bên sẽ mở rộng “hợp tác giữa quân đội hai nước. Điều này bao gồm hải quân của chúng tôi, đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tự do hàng hải ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.

Trong một bài bình luận trong tuần này, Tân Hoa Xã lên án các cuộc tập trận sắp tới ở Malabar, nói rằng chúng là bằng chứng cho thấy Bộ Tứ “đang cân nhắc hợp tác quân sự và an ninh vì lợi ích chính trị của chính họ”.

Viết trên Twitter ngày 27/10 để trả lời một bài báo trên truyền thông Ấn Độ nói về việc Delhi nên nắm lấy Bộ Tứ, nhà ngoại giao Trung Quốc Lý Bích Kiến đặt câu hỏi: “Các anh có biết hậu quả của việc đùa với lửa sẽ là gì không?".

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.