Mưu sinh với nghề lạ: 'Bác sĩ' ống nước

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ở TPHCM có những “nghề” không tên gọi, không “truyền thống”, người làm cũng thầm lặng nhưng họ gắn bó với nó nhiều năm trời, bởi đơn giản “nghề đã ngấm vào máu”.

Cũng ống dò, ống nghe đeo tai, cũng bắt mạch, siêu âm, thăm khám, hội chẩn… nhưng những “bác sĩ” này không chữa bệnh cho người, mà đêm đêm lại rong ruổi trên nhiều nẻo đường ở TPHCM tìm bệnh cho ống nước dưới lòng đất.

Đêm nghe nước thở

Theo chân các công nhân tổ dò bể thuộc Ban quản lý giảm nước không doanh thu Công ty CP Cấp nước Bến Thành (Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn - SAWACO) đi “bắt bệnh” đường ống dẫn nước lúc nửa đêm, chúng tôi mới phần nào hình dung được công việc độc lạ và chưa từng có trong danh sách nghề này. Anh Phạm Văn Tín (51 tuổi) có thâm niên 11 năm khoe bộ đồ nghề giống hệt bác sĩ nói: “Nghề này chỉ có thể làm về đêm, vì lúc ấy những âm thanh ồn ào đã lắng xuống, không gian tĩnh lặng là điều kiện thuận lợi để chúng tôi “nghe” được tiếng nước chảy rõ nhất”.

Mưu sinh với nghề lạ: 'Bác sĩ' ống nước ảnh 1

Những “bác sĩ” dò bể đang lắng nghe tiếng nước dưới lòng đất

“Bác sĩ” khám bệnh ống nước, nói thẳng ra là công việc dò tìm và phát hiện những điểm rò rỉ trên mạng lưới cấp nước, nhằm góp phần trong công tác giảm thất thoát nước của thành phố. Công việc của các anh bắt đầu từ 22 giờ và kết thúc vào khoảng 4 giờ sáng hôm sau. Hôm nay, tổ dò bể sẽ “khám” ống nước trên địa bàn quận 1. Điểm đầu tiên chúng tôi đến là đường Trần Khắc Chân. Dù lúc này đã gần 23 giờ nhưng đường phố vẫn khá nhộn nhịp. Anh Nguyễn Thanh Ngọc (45 tuổi) - người có hơn 10 năm trong nghề kiểm tra sơ đồ hệ thống đường ống và đánh giá tình hình, nói: “Lúc này đường lớn còn nhiều tạp âm nên khó nghe lắm, vì vậy đội sẽ bắt đầu từ những hẻm nhỏ trước”.

Đã quá quen với công việc, không ai bảo ai, mỗi người lặng lẽ vào vị trí. Khoác chiếc áo phản quang lên người, khệ nệ khuân bộ đồ nghề gồm máy dò, xà beng, đèn pin… các “bác sĩ” đeo tai nghe chuyên dụng có bộ điều khiển trước bụng rồi lần theo từng tuyến ống nước. Mỗi nhóm từ 2 - 3 người tỏa vào từng con hẻm. Họ đi chậm từng bước, đưa ống nghe rà mặt đường, lúc bên phải lúc bên trái, nín thở nghe những tiếng động vọng lên từ lòng đất. Dường như “nghe” điểm xì bể, anh Nguyễn Chung Tú tập trung rà nhiều lần, đồng thời gọi thêm một đồng nghiệp đến nghe kỹ hơn. Sau khi chắc chắn, các anh dùng xà beng cạy nắp cống. Cống vừa mở, những con gián chạy loạn xạ lên mặt đất. Các công nhân kiểm tra kỹ vị trí đường nước nhưng lại không phát hiện nơi xì bể.

Lần theo dòng nước, nhóm của anh Tú lại di chuyển sâu hơn vào con hẻm. Đến gần vị trí đồng hồ nước, anh Tú bỗng la lên: “Có nước sạch chảy, nghe khá nhỏ nhưng 90% là điểm xì bể”. Thế là người soi đèn pin, người mở nắp đồng hồ, người rà kỹ càng từng centimet xung quanh vị trí nghi ngờ. Khi tất cả đều chắc chắn điểm rò rỉ sẽ dùng sơn xịt đánh dấu vị trí, để hôm sau đội sửa chữa đến kiểm tra.

Tiếp tục di chuyển đến đường Trần Nguyên Đán (quận 1), nhóm của anh Trần Mạnh Luông cũng phát hiện thêm điểm xì bể sau nhiều lần kiểm tra. Dưới ánh đèn vàng, anh Luông cứ đi 2-3 bước thì dừng lại, đặt máy thu âm thanh xuống nền đường. Tại một vị trí nghi nước rò ở miệng cống, anh cầm chiếc gậy dài có gắn chiếc phễu nhỏ múc nước ở cống, rồi hòa tan gói bột thử clo. “Nếu nước phản ứng đổi màu thì đó là nước sạch (có điểm rò rỉ), còn nước không đổi màu thì là nước thải sinh hoạt. Như nước chúng tôi thu được sau khi pha clo thì không thấy phản ứng, từ đó xác định dưới cống này khả năng cao không có nước xì bể chảy vào” - anh Luông giải thích.

Đêm thu sương lạnh, nhưng trên mặt người thợ dò bể, mồ hôi vẫn chảy thành dòng. Hôm nay, tổ dò được 4 điểm xì bể. Do điểm xì bể ngày càng ít nên càng khó nghe, cũng vì vậy mà công việc đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ và vất vả hơn.

Những chuyện “cười ra nước mắt”

Để phát hiện được một điểm rò rỉ đòi hỏi thợ dò bể tai phải nhạy, mắt phải tinh; phải phân biệt hàng trăm âm thanh xuất phát từ lòng đất nghe y chang tiếng nước chảy. Nhiều anh em “bé cái lầm”, đào đường lên thì mới biết trật lất. Mặc dù có máy móc hỗ trợ nhưng vì xác suất máy chỉ chính xác khoảng 70%, còn lại là do kinh nghiệm, chuyên môn của người thợ dò tìm.

Trung bình mỗi đêm, công nhân dò bể đi bộ khoảng 4 - 5km. Thời gian từ 23 giờ đến 3 - 4 giờ ngày hôm sau chính là “giờ vàng” bởi yên tĩnh, ít xe cộ qua lại và chủ nhà cũng ít sử dụng nước. Vậy nhưng, đây cũng là lúc nhiều nguy cơ chực chờ nhất. Bởi kiểu lò dò, mò mẫm đến từng ngôi nhà lúc nửa đêm về sáng... đáng ngờ lắm. Chuyện thường xuyên bị nhìn theo bằng ánh mắt nghi ngờ, đe dọa... xảy ra như cơm bữa. Những người làm nghề này điểm ra những cái sợ khi làm việc đêm hôm, đó là sợ gặp người nghiện ma túy, sợ người say xỉn gây sự, sợ xe chạy liều... Có lần người dân còn gọi báo công an vì nghi kẻ trộm.

Anh Nguyễn Trọng Đạt (29 tuổi, quê Đồng Nai) có gần hai năm theo nghề dò bể kể, một lần đang kiểm tra đường nước ở quận 3 thì gặp người say, nhất định không cho anh làm, còn đòi đánh dù Đạt đã giải thích hết sức. Thấy tình hình không ổn, anh đành tránh đi chỗ khác và hôm sau đến kiểm tra lại.

Mưu sinh với nghề lạ: 'Bác sĩ' ống nước ảnh 2

Anh Trần Mạnh Luông (người đang dò) có 5 năm đi dò bể, niềm vui của anh chính là tìm thấy điểm xì bể để xử lý

Sau tất cả những tình huống đó, các thành viên tổ dò bể khi làm việc không bao giờ đi riêng lẻ mà thường đi từng nhóm từ 2 - 3 người, mặc đồng phục, áo phản quang, đeo thẻ, có giấy giới thiệu công tác của công ty… Thế nhưng những chuyện hiểu lầm như vậy thỉnh thoảng vẫn xảy ra.

Đêm yên tĩnh, mọi người đã chăn êm nệm ấm trong ngôi nhà của mình thì ngoài trời, người thợ dò bể vẫn miệt mài, cần mẫn với công việc của mình. Với những người lấy đêm làm ngày này, cuộc sống gia đình gần như đảo lộn. Khi vợ đi làm, con đi học thì các anh ở nhà. Ngược lại, vào ban đêm, khi vợ con ở nhà thì họ lại ra đường vì công việc. Dù là “vợ chồng ngâu” bà xã không trách cứ mà còn động viên. Từ đó, các anh em gắn bó với nghề, người làm lâu nhất có thâm niên 30 năm, người ít cũng 10 - 15 năm. Và rất hiếm các anh bỏ nghề hay xin chuyển qua làm công tác khác”.

Ông Hồ Sỹ Nam, Phó trưởng Ban quản lý giảm nước không doanh thu cho biết, dò bể là hoạt động chủ yếu trong công tác giảm thất thoát nước sạch của thành phố. Đa số công ty cấp nước đều có phương tiện dò tìm nên sớm phát hiện điểm rò rỉ, xì bể, ngăn chặn hàng trăm ngàn khối nước thất thoát, tiết kiệm được tiền tỷ. Tổ dò bể có 12 người, ngoài các chế độ chính sách dành cho người lao động như lương, thưởng, bồi dưỡng làm việc ca ba… Công ty còn có chế độ khen thưởng cho công nhân dò bể khi phát hiện chính xác điểm bể ngầm theo tháng và khen thưởng cuối năm khi hoàn thành kế hoạch.

(còn tiếp)

U.P

Với nỗ lực của tổ dò bể và phối hợp từ các bộ phận khác, tỷ lệ thất thoát nước ở khu vực họ phụ trách (quận 1, quận 3) ngày càng giảm. Tháng 8/2022 là 16,33% nhưng trong 8 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ này đã giảm xuống chỉ còn 12,73%.

MỚI - NÓNG