Công bố nghiên cứu khoa học nghề nuôi hàu lạ lùng ‘đầu độc’ đầm nước danh thắng Lăng Cô

TPO - Trước nguy cơ khu danh thắng đầm Lập An cạnh vịnh đẹp thế giới Lăng Cô (TT-Huế) bị làm xấu và có nguy cơ nhiễm độc nguồn nước do nuôi hàu bằng vỏ lốp cao su lạ lùng “có một không hai”, một công trình khoa học đã được thực hiện và vừa công bố kết quả nghiên cứu.

Theo Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh TT-Huế, đề tài khoa học cấp tỉnh "Nghiên cứu, đánh giá và đề xuất công nghệ nuôi hàu thân thiện môi trường tại đầm Lập An, huyện Phú Lộc" vừa được tổ chức nghiệm thu.

Công bố nghiên cứu khoa học nghề nuôi hàu lạ lùng ‘đầu độc’ đầm nước danh thắng Lăng Cô ảnh 1

Nuôi hàu bằng giá thể vỏ lốp cao su ngâm lâu ngày trong nguồn nước đầm phá được cho là không thân thiện với môi trường.

Đề tài do PGS.TS Tôn Thất Chất, Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Huế làm chủ nhiệm, thực hiện với kinh phí 672 triệu đồng, thời gian hai năm bắt đầu từ tháng 2/2018; trong đó có gia hạn thêm 4 tháng do tính chất mùa vụ.

Đề tài đã đánh giá hiện trang nuôi hàu khi dùng giá thể bằng lốp xe cũ; nghiên cứu việc ảnh hưởng khi dùng lốp xe cũ làm giá thể nuôi hàu ảnh hưởng đến chất lượng nước; việc ảnh hưởng của lốp xe cũ khi phân rã đối với chất lượng nước trong phòng thí nghiệm; quan trắc một số chất gây ô nhiễm trong môi trường nước; thí nghiệm và xây dựng quy trình công nghệ nuôi hàu "thân thiện môi trường"...

Công bố nghiên cứu khoa học nghề nuôi hàu lạ lùng ‘đầu độc’ đầm nước danh thắng Lăng Cô ảnh 2

Nhóm thực hiện đề tài "Nghiên cứu, đánh giá và đề xuất công nghệ nuôi hàu thân thiện môi trường tại đầm Lập An, huyện Phú Lộc" khuyến cáo hạn chế sử dụng vỏ lốp cũ làm giá thể nuôi hàu trên đầm Lập An.

Nhóm nghiên cứu và cộng sự thực hiện thu thập thông tin, áp dụng phương pháp chọn điều tra thực tế trên 70 hộ nuôi hàu tại Lăng Cô bằng giá thể lốp cao su cũ và dây vỏ hàu; tiến hành thu mẫu để nghiên cứu, phân loại, so sánh...

Qua điều tra, nghiên cứu, việc nuôi hàu sử dụng giá thể bằng dây cho kết quả tốt, giảm thải lượng vỏ hàu ra môi trường hàng năm, làm đẹp cảnh quan môi trường. Trong khi, nuôi hàu bằng giá thể sử dụng lốp xe cũ được nhóm nghiên cứu khuyến cáo hạn chế, giảm dần.

Công bố nghiên cứu khoa học nghề nuôi hàu lạ lùng ‘đầu độc’ đầm nước danh thắng Lăng Cô ảnh 3

Việc nuôi hàu bằng giá thể dây, thay không giá thể lốp cũ như thế này, cho kết quả tốt, giảm thải lượng vỏ hàu ra môi trường.

Theo hội đồng nghiệm thu, nhóm nghiên cứu cần có thêm đánh giá, đề xuất để góp phần xây dựng thương hiệu hàu Lăng Cô, đồng thời, giúp người dân địa phương tiếp cận công nghệ nuôi thân thiện môi trường...

Công bố nghiên cứu khoa học nghề nuôi hàu lạ lùng ‘đầu độc’ đầm nước danh thắng Lăng Cô ảnh 4

Đề xuất góp phần xây dựng thương hiệu hàu Lăng Cô.

Trước đó, liên quan nghề nuôi hàu lạ lùng “đầu độc” đầm nước danh thắng Lăng Cô, Tiền Phong từng có bài phản ánh, đầm Lập An (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh TT-Huế) cạnh “vịnh đẹp thế giới” Lăng Cô là một vùng danh thắng nổi tiếng cả nước, với núi sông non nước hữu tình. Tuy nhiên, khu danh thắng này bị làm xấu và có nguy cơ bị đầu độc nguồn nước bởi cách nuôi hàu bằng vỏ lốp cao su lạ lùng “có một không hai”.

Trước phản ứng của dư luận, báo chí về cách nuôi hàu lạ lùng này tại Lăng Cô, năm 2016, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) từng chỉ đạo Sở NN&PTNT TT-Huế vào cuộc.

Sở NN&PTNT TT-Huế cho rằng, việc nuôi hàu bằng giá thể lốp xe cũ ở vùng nước nông và nhỏ sẽ có nguy cơ ảnh hưởng môi trường nước, làm mất đi hình ảnh đẹp trong mắt du khách, ảnh hưởng cảnh quan môi trường xung quanh vịnh Lăng Cô.

MỚI - NÓNG