Mưu sinh & Hiếu học

Anh Nguyễn Văn Thịnh-người được sinh nhờ cái móc câu và con trai
Anh Nguyễn Văn Thịnh-người được sinh nhờ cái móc câu và con trai
TP - Đảo Bé rộng 69 hecta. Để sinh tồn trên đảo Bé khắc nghiệt, người dân đã có những cách thức vượt ngoài sự tưởng tượng của mọi người.

 >> Chung chiêng giữa biển cả

Anh Nguyễn Văn Thịnh-người được sinh nhờ cái móc câu và con trai
Anh Nguyễn Văn Thịnh-người được sinh nhờ cái móc câu và con trai.

Sinh con nhờ… móc câu

Ông Phan Đình Phương - Chủ tịch UBND xã, người nhiều năm gắn bó với đảo Bé, nhớ lại: Sáng anh em xã qua đảo làm việc, chiều đón thuyền công vụ về đảo Lớn. Trưa làm việc xong, anh em nấu gói mì tôm lót dạ. Đảo Bé quá nghèo, không có hàng quán. Nếu có quán thì cũng chỉ bán món mì tôm.

Đảo Bé không có điện, chính vì vậy, trụ sở xã ở đảo Bé, nhưng bộ phận văn phòng của xã phải đặt bên đảo Lớn để chạy máy nổ đánh vi tính và làm việc vào ban đêm khi có điện.

Bị sóng cô lập, đảo Bé trở thành hòn đảo từng được trực thăng đến thả gạo cứu đói. Đó là năm 1999, biển động kéo dài 34 ngày, mì tôm trên đảo Lý Sơn đã cạn. Người dân trên đảo Bé chỉ có thể liên lạc với bên ngoài qua chiếc máy thông tin của Bộ đội Biên phòng. Trực thăng phải từ Đà Nẵng bay ra đảo Bé để thả gạo cứu đói.

Và chuyến máy bay này rời đảo còn phải chở theo những hành khách độc đáo - đó là người dân đảo Lớn kẹt ở đảo Bé. Từ đảo Bé, bà con được máy bay chở thẳng ra Đà Nẵng, sau đó đón xe về Quảng Ngãi, đón tàu ra lại đảo Lý Sơn - quãng đường thật là gian nan.

Sự gian khổ đã khiến cho đảo Bé có những câu chuyện khó tin. Nhiều năm trước không có trạm y tế, sản phụ sinh con thì phải dùng thuyền thúng chèo sang đảo Lớn. Anh Nguyễn Văn Thịnh được sinh ra đúng ngày biển động, không thể sang trạm y tế trên đảo Lớn được. Đứng trước tình thế có thể chết cả mẹ lẫn con, người cha đã liều thò tay vào lôi thằng con trai đỏ hỏn ra. Lôi hoài không xong, ông bèn lấy … móc câu bằng sắt đưa vào trợ sức. Sản phụ - bà Lê Thị Mười sống sót một cách thần kỳ, sau đó còn đẻ thêm … 6 người con nữa! Còn anh Thịnh nay cũng đã có gia đình con cái, nhưng trên đầu còn nguyên vết sẹo vì bị dính móc câu …

Còn anh Biển thì sinh ra nhờ... đẻ rớt trên biển. Đó là một ngày đông giá rét, sản phụ bắt đầu trở dạ. Chọn chiếc thúng tốt nhất của đảo đặt vợ vào, ông chồng gò lưng chèo, 4 anh thanh niên đi theo giúp sức.

Mỗi khi chiếc thúng tròng trành sắp chìm, 4 thanh niên nhảy xuống nước đu xung quanh vành thúng để giữ cho chiếc thúng cân bằng, đồng thời sẵn sàng cứu người nếu chẳng may thúng bị sóng đánh úp. Chèo chống hơn 1 tiếng đồng hồ, khi sang gần đảo Lớn, thằng bé đã lọt ra khóc oe oe. Và người cha đặt tên con là Biển để nhớ về cú sinh nở có một không hai.

Đội cứu hộ không lương

Bất kể lúc nào đi tàu sang đảo Bé, đều thấy trên đảo sẵn sàng hàng chục thanh niên trai tráng đứng chờ. Ông Kính - người dân trên đảo cho biết: “Tàu cập đảo Bé nếu có sóng thì đứng ngoài xa, thả thúng xuống chở người vô đảo. Nếu tàu chìm hoặc trôi thúng thì anh em lao ra cứu hộ. Đội cứu hộ không lương, nhiều năm qua đã vượt mặt hà bá cứu nhiều người sống sót trở về”.

Nước ngọt trên đảo quý như vàng
Nước ngọt trên đảo quý như vàng.

Theo một thành viên trong đội cứu nạn tự nguyện, mỗi lần tàu qua, khách phải đi tăng bo thì ai nấy đều cảnh giác cao độ. Tăng bo nghĩa là tàu không thể cập cảng, phải dùng thúng chở người, rất dễ rơi xuống biển.

Anh em trong đội nhớ nhất là lần cứu chồng cô giáo Thúy bị sóng cuốn trôi. Thấy vợ dạy học trên đảo Bé lâu không về đất liền, anh chồng khăn gói ra thăm, thì gặp biển động. Chiếc tàu bị sóng tung lên cao rồi lại hụp xuống. Chồng cô giáo Thúy bị sóng cuốn phăng vào ghềnh đá rồi hất ra biển. Anh em cứu nạn liều mình lao xuống cứu kịp thời.

Anh Tùng - cán bộ xã An Bình đúc kết kinh nghiệm: "Cán bộ xã thì điện thoại phải bỏ vô bao ny lon và buộc thiệt kỹ, nếu rơi xuống biển thì cũng không sao. Còn mấy nhà báo qua đảo Bé, máy ảnh, máy quay phim nhớ bọc thêm vài lớp ny lon làm phao…".

Mất mùa hành, đành ăn Tết hẹn

Không có nước ngọt, mùa nắng, đảo Bé chìm vào cơn khát. Nước ngọt ở đảo Lớn chở sang bán, người dân mua về phải tiết kiệm tối đa. Một chậu nước được mang ra vo gạo, rửa rau, rửa bát đĩa… rồi mới tưới rau. Trẻ em sau khi ra tắm biển thì được giội lại bằng nước ngọt và phải đứng trong chậu để giữ nước ngọt làm việc khác. Chính vì vậy, đảo Bé còn được nhắc đến với cái tên rất hoàn cảnh - đảo tắm chậu.

Người đảo Bé quyết giữ lấy nghề trồng hành
Người đảo Bé quyết giữ lấy nghề trồng hành . Ảnh: Trí Thanh

Mùa mưa, hòn đảo lọt thỏm giữa phong ba bão tố. Mùa nắng, người dân thường ước ao trời đổ một vài cơn mưa. Nguồn sống chủ yếu của người dân đảo Bé dựa vào 16 hecta hành. Thỉnh thoảng trồng xen vài luống tỏi để cầu may vì không có nước tưới.

Thế nhưng chưa bao giờ người dân đảo Bé lại chứng kiến cơn mưa dai dẳng như những đợt áp thấp nhiệt đới giáp Tết vừa qua. Mưa như trút từ ngày này sang ngày khác, trời đất tối tăm mù mịt, sóng biển vây kín hòn đảo nhỏ bé, cô lập hoàn toàn với đất liền. Ông Nguyễn Hay - một người dân trên đảo than dài: "Mưa tới nỗi cứ tưởng tượng hòn đảo này nhũn ra, chìm dần xuống biển".

Mưa nhiều, hy vọng mong manh của người dân trên đảo tan dần theo mưa: Các ruộng hành già tái mọc mầm, củ hành trở nên teo tóp, nhiều ruộng hành bị úng thối. Nếu được mùa, bình quân mỗi gia đình thu về 10-15 triệu đồng, trang trải cho cả năm. Nay mất hành, người dân đành ăn Tết hẹn. Riêng ở đảo Bé có cái Tết gọi là Tết hẹn: Vì mất mùa, Tết đến người dân đến đại lý mua bánh kẹo về ăn Tết. Khi nào thu hoạch hành thì mang tiền đến trả.

Bà Nguyễn Thị Đảnh - chủ đại lý gạo trên đảo Bé đưa cuốn sổ nợ chi chít những dòng tẩy xóa. Mỗi gia đình dành riêng một trang. Sống nhờ nguồn thu từ hành, hành mất mùa, cuốn sổ nợ càng dày thêm.

"Đảo ta có một thạc sĩ"

Đảo Bé khắc nghiệt, nhưng con gái trên đảo lại có nét duyên lạ - đôi mắt to có ánh nhìn trong trẻo, nụ cười tươi và thân thiện, dáng người khỏe, nước da bánh mật. Thanh niên đảo Bé tự hào: Nói về sắc, chị em bên này ăn đứt đảo Lớn!

Xây một căn nhà trên đảo Bé tốn của tốn công gấp mấy lần so với đất liền. Muốn làm một ngôi nhà, dân đảo Bé phải thuê thuyền đảo Lớn chở vật liệu xây dựng qua. Vài chục người được huy động chuyển lên bờ. Rồi cát được dồn vào từng bao thồ từ cầu cảng vào đảo.

Anh Trần Đủ kể: Nhà anh bị sập trong cơn bão số 9 năm 2009. Được Nhà nước hỗ trợ 15 triệu đồng để xây dựng nhà, nhưng xây được một nửa thì phải dừng vì nước ngọt quá đắt đỏ. Trước đó, khi trộn hồ, phía dưới đều lót bạt cẩn thận để tránh thất thoát nước ngọt. Phải đợi đến đầu mùa mưa, anh mới có nước để hoàn thành ngôi nhà.

Người đảo Bé ai nấy đều kính trọng ông Nguyễn Hữu Thọ (nguyên thôn trưởng của đảo Bé lúc chưa thành lập huyện) và thầy Đặng Hoàng Kính. Cái thời người dân đảo Bé đi kinh tế mới, nhìn cảnh các em nhỏ bơ vơ, ông Thọ và thầy Kính trở thành giáo viên dạy cho các em học hành. Ngoài giờ dạy, hai ông thầy còn trực tiếp cầm bay xây dựng nhà cho dân đảo.

Nghèo khổ, người dân đảo Bé càng quyết tâm cho con cái học hành. Tiểu học thì học tại đảo Bé. Nếu muốn vượt lên lớp 6, cha mẹ phải gửi các em sang du học bên đảo Lớn. Ông Trần Nuôi mang tờ giấy chứng nhận Gia đình hiếu học ra khoe như một thứ tài sản quý báu. Ông đã vắt kiệt sức mình để nuôi con ăn học nên người. "Đời ông bà ở đảo Bé, tới đời con thì phấn đấu vô đất liền. Đứa nào thành đạt thì về giúp đảo ta" - ông cười hiền lành.

Hai đứa con trai của ông giờ đã đỗ đạt trên con đường học vấn. Ông luôn tự hào khi nghe bà con nói về con trai mình: "Đảo ta có một thạc sĩ".

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG