Diễn đàn Hợp tác kinh doanh Mekong – Nhật Bản 2019:

'Muốn trở thành đại bàng thì chơi chung với đại bàng'

TPO - Đó là chia sẻ của ông Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp khi nói về việc mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế tại Diễn đàn Hợp tác kinh doanh Mekong – Nhật Bản năm 2019 diễn ra hôm nay (30/11) tại Cần Thơ.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, trong thời kỳ thương mại hoá toàn cầu và yêu cầu đặt ra của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì việc mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều nền kinh tế khác nhau, nhất là những nền kinh tế lớn là chìa khóa quan trọng dẫn đến thành công.

'Muốn trở thành đại bàng thì chơi chung với đại bàng' ảnh 1 Ông Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp (giữa) chia sẻ tại diễn đàn. Ảnh: C.K

“Tôi rất tâm đắc với hàm ý sâu xa của câu nói ‘muốn trở thành đại bàng thì chơi chung với đại bàng và Nhật Bản rất xứng tầm là một ‘đại bàng’ hàng đầu thế giới để chúng ta hợp tác” – ông Hoan nói và cho biết rất ấn tượng về sức mạnh ý chí, tinh thần hợp tác, văn hoá doanh nhân, trách nhiệm xã hội, khát vọng góp phần làm cho đất nước hưng thịnh của doanh nghiệp (DN) Nhật Bản.

Theo ông Hoan, muốn biết một nền kinh tế có ‘khoẻ’ hay không thì hãy nhìn vào sự phát triển của cộng đồng DN, có thể nói DN như một bác sĩ biết ‘bắt mạch’ được thị trường và ‘kê toa’ điều tiết nền kinh tế. Do vậy, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp luôn dành nhiều thời gian, tâm quyết hỗ trợ và kiến tạo môi trường thuận lợi giúp cộng đồng DN phát triển.

Nhiều năm qua, Đồng Tháp luôn đứng trong nhóm dẫn đầu trong cả nước về xếp hạng Chỉ số năng lực canh tranh cấp tỉnh (PCI). Tính từ đầu năm đến nay, Đồng Tháp đã đưa trên 2.000 lao động, thực tập sinh đi làm việc ở nước ngoài, đứng đầu vùng ĐBSCL. Trong đó, riêng thị trường Nhật Bản đã hơn 1.600 lao động. Đây không chỉ là những lao động thuần tuý đi làm để tăng thu nhập, mà chính là nguồn nhân lực cho tương lai của tỉnh nhà với tác phong làm việc kỷ luật, chuyên nghiệp được hấp thu từ các nước sở tại, có khát khao, hoài bão “Đi làm thuê, về làm chủ”.

'Muốn trở thành đại bàng thì chơi chung với đại bàng' ảnh 2

Ông Nguyễn Phương Lam – Giám đốc VCCI Cần Thơ. Ảnh: C.K

Ông Nguyễn Phương Lam – Giám đốc Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Cần Thơ thông tin, vùng ĐBSCL có các lợi thế là tăng trưởng kinh tế cao, môi trường đầu tư thuận lợi, thị trường lớn với gần 18 triệu dân, lao động chi phí thấp, là vùng sản xuất nông – thủy sản trọng điểm, nhiều tiềm năng... Tính đến cuối năm 2018, Nhật Bản là một trong 5 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư nhiều nhất vào ĐBSCL, với 166 dự án, chiếm 10% tổng số dự án FDI vào vùng này.

Theo ông Lê Quang Mạnh – Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, trong chương trình xúc tiến đầu tư những năm gần đây, Việt Nam nói chung và Cần Thơ nói riêng đã xác định Nhật Bản là đối tác hợp tác đầu tư trọng điểm. Lũy kế đến tháng 10/2019, cả nước có 30.136 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 358,53 tỷ USD. Trong đó, Nhật Bản đứng thứ hai trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam, với 4.318 dự án, tổng vốn đăng ký khoảng 58,9 tỷ USD (chiếm khoảng 16,7% tổng vốn đầu tư).

“Tại thành phố chúng tôi, có 8/85 dự án có vốn đầu tư trực tiếp của Nhật Bản với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 32,2 triệu USD, xếp thứ 4/22 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Cần Thơ, hoạt động trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, sản xuất, chế biến và công nghệ thông tin“ – ông Mạnh cho biết.

'Muốn trở thành đại bàng thì chơi chung với đại bàng' ảnh 3

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc trao Huy hiệu vì sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam cho ông KAWAUE Junichi - Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP Hỗ Chí Minh và ông Đoàn Hữu Đức - Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn Việt Nam. Ảnh: C.K 

Diễn đàn Hợp tác kinh doanh Mekong - Nhật Bản là hoạt động trong khuôn khổ Chương trình giao lưu Văn hóa - Thương mại Việt Nam - Nhật Bản năm 2019 diễn ra tại Cần Thơ. Phát biểu tại diễn đàn, ông KAWAUE Junichi - Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh cho rằng, quan hệ Nhật – Việt hiện đang ở trong giai đoạn phát triển tốt đẹp hơn bao giờ hết. Trong nhiều năm qua, mối quan hệ giao lưu giữa Nhật Bản và vùng ĐBSCL diễn ra vô cùng sôi nổi, đặc biệt là trong các lĩnh vực như nông nghiệp, thủy sản và môi trường.

“Quan hệ Nhật – Việt sẽ không thể phát triển tốt đẹp như hiện nay nếu thiếu đi sự đóng góp và cống hiến của rất nhiều con người Nhật Bản và Việt Nam trong các lĩnh vực khác nhau. Trong số đó không thể không nhắc đến GS.TS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã quyết định trao bằng khen cho GS.TS Võ Tòng Xuân để vinh danh những đóng góp và cống hiến của ông trong suốt nhiều năm liền. Hôm qua, tôi đã có vinh dự được chuyển bằng khen ấy cho GS.TS Võ Tòng Xuân” – Tổng Lãnh sự Nhật Bản chia sẻ.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.