Nguyễn Hữu Phước Nguyên cho rằng, mỗi bạn trẻ cần có tính chủ động, cú hích để người trẻ thay đổi chính là phát triển cái tôi sáng tạo.
Được biết ở Việt Nam cũng như trên thế giới có rất ít tiến sỹ ngành khoa học Nano, tại sao anh lại theo đuổi ngành này, anh có tham vọng ứng dụng công nghệ Nano ở Việt Nam?
Năm thứ nhất Đại học Bách khoa Hà Nội, tôi được học bổng toàn phần của tập đoàn dầu khí Malaysia học tại trường Đại học kỹ thuật PETRONAS, sau đó tôi du học Mỹ theo học bổng của quốc hội Mỹ VEF lấy bằng thạc sỹ ngành cơ điện tử và tiến sỹ ngành khoa học Nano ở trường Đại học Michigan (Mỹ).
Tôi chọn theo học ngành Nano vì đam mê tìm hiểu và tôi cũng có tham vọng phát triển ứng dụng công nghệ Nano ở Việt Nam. Tôi muốn tìm kiếm chế tạo vật liệu từ công nghệ Nano như vật liệu siêu nhẹ, siêu bền làm từ gỗ, từ vỏ cây thường bỏ đi. Để làm được cần thời gian, các nguồn lực và các thiết bị công nghệ.
Anh đã nhận được nhiều lời làm việc ở Mỹ, tại sao anh từ chối?
Mục đích của tôi đi du học là để trở về và cống hiến cho đất nước. Đã có một số công ty ở Mỹ mời tôi đến làm như TRW (công nghiệp ô tô), Capgemini (tư vấn kinh doanh), một số công ty mời tôi đến phỏng vấn như Apple, Intel, PwC, McKinsey, JP Morgan Chase Shell, Exxon Mobil... nhưng tôi quyết định sẽ về Việt Nam.
Nhiều ý kiến cho rằng một bộ phận bạn trẻ Việt Nam còn thiếu tính chủ động. Từng tiếp xúc, làm việc với bạn trẻ các nước trên thế giới, anh nghĩ sao về điều này?
Nguyễn Hữu Phước Nguyên
“Khi tôi về nước, nhiều người hỏi tôi rằng nhà nước xếp việc vào đâu. Tôi trả lời chẳng ai xếp việc cho mình, mình phải tự chứng minh là mình có giá trị và người ta dùng mình”
Nguyễn Hữu Phước Nguyên
Tôi thấy đó là hạn chế của một bộ phận bạn trẻ Việt Nam. Bản thân tôi cũng từng như thế, tự nhận ra và khắc phục. Ở nước ngoài các bạn làm việc rất có trách nhiệm, chủ động tìm các nguồn hỗ trợ và hoàn thành công việc, còn ở nước ta, tôi thấy nhiều bạn làm việc mang tính đối phó, thời vụ và không mang tính lâu dài, một số người còn có tính ỷ lại. Khi tôi về nước, nhiều người hỏi tôi rằng nhà nước xếp việc vào đâu. Tôi trả lời chẳng ai xếp việc cho mình, mình phải tự chứng minh là mình có giá trị và người ta dùng mình. Tôi vẫn nói bạn trẻ phải biết tự tạo ra giá trị, vượt qua hoàn cảnh, vượt khó và không thụ động chờ người khác tạo điều kiện.
Theo anh điều gì sẽ khiến bạn trẻ thay đổi, có một cú hích lớn để phát triển bản thân?
Đây là câu hỏi khó. Cá nhân tôi thấy cần thay đổi từ giáo dục, nhận thức. Tôi nghĩ ngay từ bậc tiểu học cần khuyến khích trẻ phát triển cái tôi. Cái làm nên sự khác biệt ở Mỹ là sự đa dạng của cái tôi, họ tôn vinh những cái tôi, tạo môi trường để từng cá nhân phát triển.
Bởi vậy họ tự tin với ý tưởng đưa ra, dám đương đầu với xã hội để bảo vệ ý tưởng. Những đột phá, sáng tạo và thành công đều bắt nguồn từ cái tôi tự tin ấy. Tạo môi trường để bạn trẻ tự do sáng tạo, phát triển bản thân chính là cú hích lớn. Nếu có cơ hội các bạn nên đi du học, không chỉ mở rộng kiến thức mà bạn còn cởi mở về tư duy, nhận thức, trải nghiệm sống.
Vừa qua lá thư của một du học sinh Nhật gây xôn xao cộng đồng mạng và giới trẻ với nhận xét “Việt Nam giàu và những đứa con chưa ngoan”, anh nghĩ sao về điều này?
Mới đầu nghe thì buồn, chạm tính tự ái dân tộc nhưng tôi thấy trong lá thư đấy cũng có một số điều đúng. Việt Nam có nhiều điều kiện để trở thành nền văn minh tiên tiến trên thế giới. Có tài nguyên, nguồn nhân lực tốt nhưng vẫn còn gặp khó khăn.
Những đứa con chưa ngoan ở đây là cách nói hình ảnh, tôi thấy có một bộ phận người Việt có tính hưởng thụ, chạy theo giá trị ảo, những biểu hiện vật chất mà ít quan tâm đến việc mang lại những giá trị chân thực. Để thành công mỗi bạn trẻ cần có định hướng phát triển bền vững với mục đích lâu dài. Các hãng lớn trên thế giới đều có được tên tuổi nhờ yếu tố ấy.
Ví dụ, tôi biết có một số bạn trẻ mơ trở thành Bill Gates với mong muốn có được địa vị, giàu sang, tiền bạc như ông. Nhưng đó là động lực vật chất, khác với động lực tạo giá trị nếu theo vật chất sẽ sớm dừng lại và không có sức bền. Bill Gates khi khởi đầu ông không mong được làm tỷ phú mà muốn trở thành ông hoàng công nghệ, muốn công nghệ làm thay đổi cuộc sống. Chính động lực làm ra giá trị của cuộc sống giúp ông thành công.
Được biết anh là người sáng lập ra Hội du học sinh Nghệ- Tĩnh, tổ chức thành công nhiều hội thảo truyền lửa du học cho học sinh. Anh thấy bạn trẻ hiện nay có thiếu lửa không và liệu có truyền được lửa?
Tôi thành lập hội du học sinh Nghệ- Tĩnh năm 2008 với hơn 200 du học sinh trên khắp thế giới tham gia, hội thảo “Truyền lửa” đã thu hút 4.000-5.000 lượt người tham dự. Đã có nhiều học sinh từ hội thảo tự tin tìm kiếm cơ hội du học và thành công. Về câu chuyện có thiếu lửa không, tôi nghĩ là có, một bộ phận bạn trẻ còn thiếu đam mê và nhiệt huyết. Còn truyền lửa thế nào, tôi không tạo ra đám cháy nhưng hy vọng sẽ tạo ra “xung điện” để khởi nguồn cho các bạn cháy với đam mê. Khi lóe lên ngọn lửa, các bạn sẽ tự tìm được con đường đi cho mình. Tôi nghĩ các vấn đề đầu tiên là bạn trẻ phải tự tiếp thu, tự trải nghiệm và tự làm mới mình để có thành công.
Cảm ơn anh!
Nguyễn Hữu Phước Nguyên là thành viên tích cực CLB tư vấn kinh doanh Đại học Michigan (Mỹ) tư vấn các chiến lược kinh doanh cho các Cty ở Mỹ.
Năm 2013 đoạt giải thưởng Lãnh đạo nổi bật của Trường Công nghệ, Đại học Michigan đồng thời là một trong 60 người tại Mỹ lọt vào vòng cuối cùng của chương trình kinh doanh cho Khoa học Kỹ thuật của công ty McKinsey, Công ty số 1 thế giới về tư vấn kinh doanh. Anh cũng là 1 trong 10 gương mặt tiêu biểu của học bổng VEF nhân dịp kỷ niệm 10 năm hoạt động.