Muốn giám sát phải phát huy dân chủ

Quy chế bầu cử trong Đảng vừa được thảo luận tại Hội nghị T.Ư 8. Ảnh: thống nhất
Quy chế bầu cử trong Đảng vừa được thảo luận tại Hội nghị T.Ư 8. Ảnh: thống nhất
TP - Nhân dịp kỷ niệm 84 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về lĩnh vực văn hóa - xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Nguyễn Túc, đã có cuộc trao đổi với Tiên Phong.

Ông Nguyễn Túc nói rằng muốn giám sát trong Đảng, phải phát huy dân chủ, công khai, minh bạch công tác cán bộ. Trong đó, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ giúp Đảng có cơ sở đánh giá từng con người cụ thể, tạo uy tín cho Đảng, lòng tin trong đảng viên, quần chúng.

Giám sát là nhu cầu của dân

Hiến pháp vừa được Quốc hội thông qua khẳng định “Đảng chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”. Vậy, việc nhân dân giám sát Đảng phải thực hiện ra sao, thưa ông?

Nhìn lại các kỳ Đại hội (ĐH) của Đảng cho thấy từ ĐH 7, trong văn kiện ĐH nêu một số cán bộ đảng viên có chức có quyền thoái hóa biến chất. ĐH 8 nêu “một bộ phận” và tới ĐH 9 nêu “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên có chức có quyền thoái hóa biến chất. Đến ĐH 10, dù có nhiều tranh luận, chúng ta cũng chưa thể bỏ cụm từ “không nhỏ” cho thấy sự bức thiết trong việc chỉnh đốn Đảng. Và khi sửa đổi Hiến pháp, chúng ta đã bổ sung vào điều 4 nội dung Đảng chịu giám sát của nhân dân và chịu trách nhiệm về quyết định của mình trước nhân dân.

Việc Hiến định Đảng chịu sự giám sát của nhân dân khẳng định vai trò của nhân dân đối với sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rõ, mọi quyền lực đều ở trong dân. Người nhiều lần khẳng định, có dân là có tất cả, dân ủng hộ ít thì thắng lợi ít, ủng hộ nhiều thì thắng lợi nhiều, ủng hộ hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn.

Giám sát và phản biện là nhu cầu của dân và cũng là nhu cầu của Đảng. Vì vậy, ngày 12/12/2013, Bộ Chính trị đã ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội và Quy định về MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân góp ý xây dựng Đảng và chính quyền.

Theo ông, đâu là những biểu hiện cụ thể việc suy thoái, biến chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên?

Sau 30 năm Đổi mới, đời sống xã hội đã thay đổi, thu nhập khác nhau dẫn tới mức sống khác nhau, lối sống khác nhau… từ đó dẫn tới giữa cái tôi và cái ta, cái thiện và cái ác đan xen. Nếu con người không rèn luyện tốt, dễ dẫn tới thoái hóa, biến chất. Nếu tổ chức đảng không kiên quyết, không triệt để, sẽ dung dưỡng những cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất. Trong công tác cán bộ, từ tuyển chọn, đào tạo tới quản lý chưa nghiêm dẫn tới việc hình thành lợi ích nhóm, phe cánh, ràng buộc, khiến cho chúng ta khó bóc tách, đấu tranh và diệt trừ.

Thoái hóa biến chất thể hiện rõ khi tham nhũng trở thành “giặc nội xâm”. Và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “nhận định nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tham nhũng còn lâu dài, gian khổ, phức tạp, khó khăn lắm, thực sự là một cuộc đấu tranh. Nó khó khăn, phức tạp vì xảy ra ngay trong nội bộ của chúng ta, nó đã thành lợi ích nhóm, lợi ích ràng buộc với nhau, câu kết với nhau”.

Tuy nhiên, ngoài giặc nội xâm tham nhũng, chúng ta còn đối mặt với nạn chạy chức chạy quyền ngày càng tinh vi, phức tạp.

Công tác cán bộ phải thực sự dân chủ, minh bạch

Vậy, công tác tổ chức cán bộ, đảng viên phải thực hiện ra sao để đấu tranh, loại trừ, ngăn chặn tình trạng trên?

Một trong những nội dung quan trọng trong công tác tổ chức cán bộ được nêu ra tại kỳ họp Ban chấp hành T.Ư 8 là xem xét, quyết định việc ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng, để qua đó Đảng lựa chọn, tiến cử thành viên của mình vào bộ máy nhà nước.

Việc sửa đổi Quy chế bầu cử trong Đảng sẽ khắc phục những vấn đề đã bộc lộ bất cập trong thực tiễn. Trước đây, thẩm quyền ban hành quy định về bầu cử trong Đảng được trao cho Bộ Chính trị. Hiện nay, giao thẩm quyền đó cho Ban chấp hành Trung ương. Theo tôi, với 175 thành viên, ý kiến sẽ đa dạng hơn, dân chủ và thuyết phục hơn.

Từ trước tới nay, chúng ta không thiếu các quy chế mà thiếu phương pháp để thực hiện các quy chế bài bản và có hiệu quả thiết thực. Trong đó, quan trọng phải xác định trách nhiệm của người đứng đầu để giám sát thực hiện, có đủ năng lực và uy tín để thực hiện các quy chế đó.

Muốn giám sát phải phát huy dân chủ ảnh 1

Ông Nguyễn Túc

Nghị quyết T.Ư 4 có đề cập việc đề bạt cán bộ phải trình bày đề án, chương trình hành động của ứng cử viên, nhưng hình như việc này vẫn còn bỏ ngỏ?

Muốn giám sát, phải có công cụ và phương thức giám sát, người dân cũng phải được trang bị kiến thức, được tập huấn và phải có công cụ. Một trong những công cụ quan trọng là báo chí, đẩy mạnh quá trình công khai, minh bạch các hoạt động của các cơ quan công quyền.

Ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về lĩnh vực

văn hóa - xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Muốn khảo sát cán bộ có đủ tầm hay không thì phải có trình bày chương trình hành động, đề án. Ứng viên cần trình bày và bảo vệ chương trình hành động đó, đây là điều rất quan trọng vì qua khả năng trình bày, hùng biện, chứng tỏ được bản lĩnh thật, trình độ thật của cán bộ.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần cẩn trọng với việc “nói hay, làm dở”. Hoặc cũng có không ít ứng cử viên có chương trình hành động còn chung chung và mang tính chất hứa hẹn. Vì vậy, bên cạnh việc lắng nghe chương trình hành động, đề án cũng phải thẩm định xem xét kỹ quá trình công tác có liên quan đến các chương trình hành động của cán bộ đó.

Vừa rồi tại nhiều địa phương như Quảng Ninh đã thi tuyển giám đốc các sở. Chúng ta cần phát triển phương pháp này vì nó sẽ triệt tiêu nạn chạy chức, chạy quyền và phát huy được năng lực của những người giỏi, loại trừ người yếu.

Theo ông, việc lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng sẽ mang lại bước tiến gì trong việc giám sát, phê bình và tự phê bình trong Đảng?

Phê và tự phê là một hình thức đánh giá, giám sát. Còn việc lấy phiếu tín nhiệm cũng là một phương pháp đánh giá công khai và hệ thống. Lấy phiếu tín nhiệm không phải để truất chức nhau mà để đánh giá về cán bộ thế nào, đảng viên ra sao. Tổ chức đảng hoàn thành nhiệm vụ tức là những cá nhân cụ thể hoàn thành nhiệm vụ và ngược lại.

Hằng năm, Ban Chấp hành Trung ương góp ý kiến, thể hiện sự tín nhiệm đối với tập thể và từng thành viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; ban chấp hành đảng bộ các cấp góp ý kiến, thể hiện sự tín nhiệm đối với tập thể và từng thành viên ban thường vụ cấp ủy cấp mình. Vì vậy, việc lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng là phù hợp với tiến trình dân chủ, tạo uy tín cho Đảng.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG