Muốn báo chí tự chủ thì phải có 'cơ chế đặt hàng' đủ mạnh

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, muốn báo chí tự chủ được thì phải có “cơ chế đặt hàng” đủ mạnh. Bộ TT&TT phải là đầu mối của các cơ quan báo chí làm việc với các cơ quan phụ trách về tài chính, các bộ ngành để giao nhiệm vụ, “đặt hàng” báo chí tuyên truyền, vận động trước, trong và sau khi ban hành chính sách.

Vẫn còn tình trạng sách nhiễu, vòi vĩnh doanh nghiệp

Báo cáo công tác báo chí năm 2021 về phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2022, ông Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, trong năm qua báo chí đã tuyên truyền nhanh nhạy, kịp thời, chính xác, hiệu quả về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026...

Đặc biệt, công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19 được báo chí tuyên truyền rõ nét, kịp thời, phù hợp, có tính định hướng về diễn biến tình hình, các quan điểm, chỉ đạo, giải pháp chống dịch.

Bên cạnh đó, ông Lâm cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế như, một số cơ quan báo chí hoạt động xa rời, không bám sát tôn chỉ, mục đích; xử lý tình trạng “báo hóa” tạp chí điện tử không đều, thiếu liên tục và bền vững gây dư luận xấu trong xã hội. Vẫn còn tình trạng phóng viên tham gia mạng xã hội có những phát biểu, bài viết về một số vấn đề nóng, vụ việc tiêu cực trái quan điểm chỉ đạo, có xu hướng kích động, gây rối nhiễu dư luận.

Muốn báo chí tự chủ thì phải có 'cơ chế đặt hàng' đủ mạnh ảnh 1

Hội nghị báo chí toàn quốc (ảnh Như Ý)

Trong khi đó, văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, cộng tác viên của một số cơ quan báo chí hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, vượt quá chức năng, nhiệm vụ được giao, gây phiền hà cho các cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước... Có trường hợp vi phạm luật và đạo đức nghề nghiệp; câu kết với một số đối tượng xấu nhằm sách nhiễu, vòi vĩnh doanh nghiệp, cơ quan, ép ký hợp đồng quảng cáo, đăng tải tin, bài thiên lệch quá nhiều vào mặt trái.

Về thực hiện quy hoạch báo chí, ông Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, qua thực hiện đã giảm 39 cơ quan báo thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và tổ chức Hội ở Trung ương; giảm 31 cơ quan báo thuộc các địa phương. So với năm 2019 (có 195 cơ quan báo) thì tới năm 2021 đã giảm 70 cơ quan báo (giảm 36%).

Nâng cao chất lượng các sản phẩm số

Tham luận tại hội nghị về “phát huy vai trò của cấp ủy, lãnh đạo cơ quan chủ quản trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của cơ quan báo chí”, Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Phạm Duy Trang cho biết, trước các sự kiện, hoạt động lớn, quan trọng của Đoàn, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã chỉ đạo các báo xây dựng Kế hoạch tuyên truyền; định hướng, theo dõi, đôn đốc công tác tuyên truyền trên mặt báo. Trên cơ sở đó, giao Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn tổng hợp, xây dựng kế hoạch tuyên truyền tổng thể, giao nhiệm vụ chi tiết cho các báo để thực hiện, đảm bảo trọng tâm, trọng điểm, đúng định hướng, tạo sức lan tỏa tốt.

Trong thời gian qua, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã trao đổi, định hướng để Báo Tiền Phong, Báo Thanh niên lập chuyên mục “Chống tin giả” đấu tranh với thông tin xấu, độc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đến nay trong chuyên mục của 2 báo đã đăng hơn 100 bài về nội dung này.

Muốn báo chí tự chủ thì phải có 'cơ chế đặt hàng' đủ mạnh ảnh 2

Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Nguyễn Phạm Duy Trang (ảnh Như Ý)

Để thực hiện tốt công tác báo chí, Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Phạm Duy Trang cho biết, Đảng ủy, Ban Bí thư Trung ương Đoàn xác định tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, định hướng báo chí của Đoàn, đặc biệt là các báo thuộc Trung ương Đoàn thông qua cơ chế giao ban định kỳ hằng tuần, hằng quý, 6 tháng, cả năm.

Cùng với đó, định hướng phát triển báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số theo hướng tăng cường và nâng cao chất lượng các sản phẩm số của các cơ quan báo chí, chuyển đổi mô hình làm báo, phân phối thông tin trên không gian mạng nhằm tạo ra nhiều giá trị cho độc giả.

Trung ương Đoàn cũng giao các báo nghiên cứu chuyển đổi mô hình theo hướng tòa soạn số, tiến tới lấy kênh thông tin số làm trụ cột tổ chức sản xuất nội dung, phát hành, tương tác và kinh tế báo chí. Tiếp tục nâng cao chất lượng và sức lan toả của các sản phẩm truyền thông số của các cơ quan báo chí của Đoàn.

Tránh tình trạng “‘thực tế khác văn bản”

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, việc sắp xếp quy hoạch báo chí mới chỉ là một bước về mặt cơ học, còn chuyển thực chất bên trong là cả một quá trình không thể nóng vội. Điều quan trọng nhất là việc ra các chính sách quản lý, sau khi bàn rồi thì làm cho nghiêm, thực chất, cái gì không phù hợp thì kiến nghị bổ sung điều chỉnh, tránh tình trạng văn bản như vậy nhưng thực tế lại không phải vậy.

Từ đó, Phó Thủ tướng yêu cầu trong năm 2022, phải tổng kết đánh giá để quy hoạch báo chí làm cho báo chí phát triển, tránh việc chạy theo thị trường quá mức làm lệch lạc, tránh lãng phí nguồn lực xã hội.

Muốn báo chí tự chủ thì phải có 'cơ chế đặt hàng' đủ mạnh ảnh 3

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu kết luận hội nghị

Theo Phó Thủ tướng, muốn báo chí tự chủ được thì phải có “cơ chế đặt hàng” đủ mạnh. Bộ TT&TT phải là đầu mối của các cơ quan báo chí làm việc với các cơ quan phụ trách về tài chính, các bộ ngành để giao nhiệm vụ, “đặt hàng” báo chí tuyên truyền, vận động trước, trong và sau khi ban hành chính sách. “Đó không nhất thiết là những cơ quan báo chí lớn, có uy tín mà quan trọng là phải có những nhóm độc giả mà chính sách cần tác động”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Cũng theo Phó Thủ tướng, trước cạnh tranh của mạng xã hội, thông tin nhanh nhạy tính từng giây, đòi hỏi sự minh bạch thông tin và nhanh nhất có thể. Muốn thế các cơ quan phải chủ động hơn. “Hội Nhà báo, Bộ TT&TT hoàn toàn có thể có văn bản yêu cầu Bộ ngành đó cần cung cấp thông tin một cách chính xác. Khi báo chí chính thống minh bạch thông tin sớm thì nhân dân và công luận sẽ nghe theo. Đây là cái cần phải làm”, Phó Thủ tướng gợi ý.

Kết luận hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá, báo chí có vai trò rất lớn với các sự kiện quan trọng của đất nước khi vào cuộc hết sức chủ động, tích cực, mang tính định hướng cao.

Ông đề nghị các cơ quan báo chí tiếp tục nâng cao nhận thức sâu sắc hơn nữa vai trò của báo chí cách mạng, phải là cơ quan ngôn luận của Đảng, diễn đàn của nhân dân, báo chí phải hướng tới văn hóa, chân thiện mỹ, thể hiện tinh thần đại đoàn kết, lợi ích quốc gia dân tộc. Kiên quyết khắc phục tình trạng rời xa tôn chỉ mục đích, lợi ích nhóm, gây phiền nhiễu cho doanh nghiệp.

MỚI - NÓNG