Mười năm, chỉ có 100 nghìn vụ tai nạn xe máy được bồi thường bảo hiểm

TPO - Theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), sau 10 năm thực hiện Nghị định 103 về chế độ bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới, ngành bảo hiểm đã bồi thường cho 101.214 vụ tai nạn xe máy, trung bình 5 triệu đồng/vụ.

Thông tin trên được ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết ngày 22/5.

Mười năm, chỉ có 100 nghìn vụ tai nạn xe máy được bồi thường bảo hiểm ảnh 1 Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính Phùng Ngọc Khánh trả lời báo chí sáng 22/5 - Ảnh: Tuấn Nguyễn

Theo ông Khánh, sau 10 năm thực hiện Nghị định 103 của Chính phủ về chế độ bảo hiểm trách nhiệm dân sự (TNDS) chủ xe cơ giới, số lượt xe cơ giới tham loại hình bảo hiểm này lên đến 110,3 triệu (trong đó số lượt xe máy khoảng 93,5 triệu).

Ngành bảo hiểm đã bồi thường cho 593.658 vụ tai nạn giao thông, trung bình 9 triệu đồng trên vụ. Trong đó, có 101.214 vụ tai nạn xe máy, trung bình 5 triệu đồng/vụ.

Bên cạnh đó, thực hiện Nghị định 103, Quỹ bảo hiểm xe cơ giới đã hỗ trợ nhân đạo cho các nạn nhân tai nạn giao thông không thuộc diện đối tượng được bồi thường bảo hiểm.

Đồng thời, chi 21,6 tỷ đồng phục vụ tuyên truyền, giáo dục nhận thức của chủ xe và cộng đồng về an toàn giao thông với đa dạng hình thức.

Ngoài ra, Quỹ bảo hiểm xe cơ giới cũng hỗ trợ xây dựng các công trình phòng tránh, hạn chế tổn thất tất như hệ thống biển báo giao thông, đường tránh, công trình hộ lan, tổng 75 công trình với tổng chi trên 90 tỷ đồng.

Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cũng cho rằng, vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc cả về chính sách và công tác tổ chức, triển khai thực hiện.

“Một số quy định hiện hành về bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới không còn phù hợp, đồng bộ với hệ thống văn bản pháp luật có liên quan”, ông Khánh dẫn chứng.

Bên cạnh đó, theo vị cục trưởng, mức trách nhiệm bảo hiểm theo quy định hiện hành chưa theo kịp với biến động ngày càng tăng về giá dịch vụ khám, điều trị, chăm sóc y tế và chi phí sửa chữa, thay thế tài sản bị thiệt hại trong các vụ tai nạn do xe cơ giới gây ra.

Ngoài ra, theo Cục trưởng Phùng Ngọc Khánh, phí bảo hiểm mặc dù đã được quy định trên cơ sở rủi ro liên quan đến phương tiện (loại xe, mục đích sử dụng xe) nhưng chưa căn cứ vào rủi ro liên quan chủ xe, lái xe (lịch sử tai nạn, vi phạm giao thông). Do đó, chưa phát huy tối đa vai trò công cụ kinh tế trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

“Một số quy định hiện hành về mẫu giấy chứng nhận bảo hiểm, thời hạn bảo hiểm, hồ sơ bồi thường không còn phù hợp, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp bảo hiểm và chủ xe, lái xe trong việc triển khai thực hiện”, ông Khánh cho biết thêm.

Đáng chú ý, theo Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, dù đã triển khai 10 năm nhưng tỷ lệ tham gia bảo hiểm của xe máy vẫn còn thấp, đạt khoảng 30% với xe máy (trong tổng số gần 60 triệu xe máy) so với tỷ lệ tham gia lên đến 90% đối với xe ô tô (trong tổng số trên 3 triệu xe ô tô).

MỚI - NÓNG
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
TPO - Dự ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại TP. Huế, ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - cho biết, sắp tới khi Trung ương cho chủ trương, Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập thành phố trực thuộc Trung ương sẽ đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng có cơ hội rất lớn cho Thừa Thiên - Huế.