Mùi Tết

TP - Một sáng sớm cuối năm, tôi theo vợ ra chợ nhỏ gần nhà sắm ít món đồ chuẩn bị cúng Tất niên. Đi chủ yếu để phụ xách đồ, nên tôi chẳng mấy để tâm với các loại hàng hóa ngồn ngộn.

Thế rồi, một mùi hương thơm dìu dịu rất quen thuộc nhưng cũng là lạ phảng phất khiến tôi ngơ ngẩn…

Định thần một lúc, tôi nhận ra mùi hương ấy không thể là gì khác ngoài thứ mà tuổi ấu thơ mình từng được đằm sâu trong đó, rồi chợt khe khẽ thốt lên: Mùi già!

Giữa Sài Gòn, rất hiếm hoi để tôi gặp được loại thảo dược dân dã nhưng vô cùng quý giá này.

1.

Mùi hương ấy rất quen. Quen đến nỗi chỉ cần nghĩ về nó, tôi đã trào nước mắt vì một nỗi nhớ ẩn sâu trong ký ức cứ dâng tràn. Khi còn bé, gia đình tôi cũng như mọi gia đình ở quê ngoại ngoài Bắc đều nghèo khó. Vì thế, việc mua sắm Tết rất đơn sơ, chủ yếu theo chế độ tem phiếu. Cố gắng lắm ba mẹ cũng chỉ lo được cân thịt lợn, nấu vài món ăn truyền thống mà ngày thường không có được và nồi bánh chưng nho nhỏ cho bầy con đang háo hức.

Dù vậy, những món ăn tinh thần, tuy cũng rất đơn sơ, nhưng không bao giờ thiếu, đó là mâm ngũ quả trên bàn thờ, bìa lịch treo tường, lọ hoa lay ơn hay cành đào phai và phong pháo tép… Nhà nghèo, phong pháo cũng ngắn và bé tẹo nhưng đó lại là sự chờ đợi và là niềm vui vô cùng lớn của anh chị em tôi cũng như bao đứa trẻ ngày ấy.

Tối 30 Tết, sau khi chuẩn bị xong xuôi mọi thứ, mẹ tôi bắc nồi nấu nước mùi già để cả nhà cùng tắm. Bó mùi già, gồm cả thân và gốc rễ, được mẹ chuẩn bị từ trước và gói cẩn thận bằng lá chuối để riêng một góc. Mẹ luôn chọn loại mùi thật già, có nhiều hạt và đã chuyển dần sang vàng vì lượng tinh dầu đạt mức cực đỉnh. Những hạt mùi vừa độ căng tròn, bé như đầu cây kim đan len, tỏa hương thơm dìu dịu. Khi nấu ở nhiệt độ cao, tinh dầu từ thân và hạt mùi được phóng thích, hương trở nên đượm nồng. Lúc đầu chưa quen, trẻ con thường cảm thấy hơi khó chịu vì mùi hăng hắc, khi đã quen thì mê mẩn, không muốn rời ra bởi thứ nước thơm cay ngan ngát rất đặc biệt.

Đêm 30 Tết là lúc thời tiết lạnh giá nên việc cởi áo quần ấm đi tắm là điều đứa trẻ nào cũng rất sợ. Song, khi đã vượt qua nỗi sợ hãi đó, lập tức rơi vào trạng thái ngất ngây bởi được ngâm mình trong nước nóng ấm, tận hưởng hương thơm của nước mùi già ngấm vào da thịt. Tắm xong người nhẹ bẫng, khoan khoái lạ thường. Việc còn lại là ngóng chờ đến giao thừa để được đốt pháo.

“Không tắm nước mùi già không thành Tết”, mẹ tôi thường nói. Với bà, tắm nước mùi già đêm 30 Tết, không chỉ là chuyện tắm rửa thông thường mà là nghi thức thanh tẩy thiêng liêng và được thực hành cẩn trọng. Bà tin rằng, chỉ nước mùi già mới có thể thanh tẩy được những xui rủi trong năm cũ hay tạp uế tồn đọng giúp thân thể cũng như tinh thần mỗi người đạt đến sự thanh khiết nhất để đón nhận một năm mới với nhiều may mắn. Vì vậy, phải thực hiện bằng được trước giao thừa.

2.

Cuộc sống gia đình tôi sau này có nhiều thay đổi. Chúng tôi dần lớn lên và đi học, đi làm ăn xa. Theo thời gian, mẹ cũng già yếu rồi qua đời nên tôi không còn được tắm nước mùi già đêm 30 Tết như ngày thơ bé. Mấy chục năm xa nhà và sống ở Sài Gòn, không có cơ hội để nhìn thấy cây mùi già nên cũng dần quên đi nghi thức tắm nước mùi già tất niên. Đó là lý do khiến hương mùi già có phần lạ lẫm với chính người từng rất quen thuộc với nó, như tôi. Những bó mùi già ở chợ gần nhà như kể trên là của một chủ cửa hàng chuyên bán đồ Bắc. Chị cho biết, ở Sài Gòn có rất ít người biết dùng mùi già trong ngày Tết nên dường như không ai hỏi han. Lần này, chị đem một ít vào bán để “thăm dò”.

Thực ra, tôi chưa bao giờ quên hương mùi già cùng với sự chăm chút của mẹ; chỉ là mùi hương lùi vào dĩ vãng xa xăm ấy ngủ đâu đó trong tiềm thức nhưng sẽ tự nhiên thức dậy khi có dịp. Và nó đã từng trỗi dậy trong tâm trí, ngào ngạt ùa đến, khiến tôi nhớ quay quắt những hương vị của một thời khốn khó nhưng trong trẻo vô ngần.

Nhớ cô bạn học gần nhà có mái tóc dài và đôi mắt to tròn. Ở cô gái luôn tỏa ra một mùi thơm dìu dịu của thịt da và của cả những mùi thơm cây lá, lúc bồ kết, khi hương nhu, lúc lại mùi già… Mùi già rất bền hương, nếu được tắm kỹ, hương sẽ lưu lại trên cơ thể trong nhiều ngày, hơn cả mọi loại nước hoa mà sau này tôi được biết, dù là loại thượng hạng. Chả thế mà tôi luôn nhận ra hương mùi già trên tóc, trên làn da trắng hồng của cô bạn trong ngày đầu năm mới. Thằng bé nhút nhát là tôi cứ âm thầm, lặng lẽ gom góp những mùi hương thoang thoảng ấy nén vào lồng ngực và tâm trí.

Mùi Tết ảnh 1

Hương mùi già cứ thế quấn quýt, vấn vương. Nó bền bỉ bám theo những bước chân phiêu dạt của tôi. Không những chưa bao giờ lịm tắt, nó thậm chí còn rực rỡ trong trong tâm khảm, nương tôi đứng dậy để vượt qua những chặng đường đời lam lũ, khi toàn thân nhuốm mồ hôi chát mặn.

3.

Miền Trung quê nội tôi, rau mùi được gọi là ngò rí. Mọi người ở đây không có thói quen hay phong tục tắm nước mùi già vào đêm 30 Tết nên không ai làm và bán chúng như một loại thảo dược. Nhưng ngò rí hiện diện khắp nơi, góp mặt trong rất nhiều món ăn truyền thống, từ ăn sống đến kho, xào hoặc nấu canh…. Nhiều món ăn được tăng thêm giá trị và sức hấp dẫn bởi ngò rí và cũng sẽ kém ngon, thậm chí sẽ trở nên nhạt nhẽo nếu thiếu loại rau thơm này.

Dễ ăn, dễ chế biến, mùi thơm dễ chịu và có phần đỏng đảnh nên ngò rí được mệnh danh là “nữ hoàng” của các loại rau thơm, luôn xuất hiện trong vườn cũng như ngoài chợ. Mỗi lần về quê nội dịp Tết, tôi thường tranh thủ lang thang trong chợ, đến các quầy hàng bán sản vật địa phương. Điều khiến tôi thích thú nhất là được ngửi mùi của các loại rau thơm. Ngoài khí hậu và thổ nhưỡng rất thích hợp, rau quê được trồng theo lối truyền thống, hữu cơ nên không chỉ cho mùi vị đậm đà mà còn cho người sử dụng cảm giác an tâm tuyệt đối và chỉ cần nghĩ đến đó cũng đã thấy sướng rơn người.

Tết năm nào nhà tôi cũng gói bánh chưng. Trong khi gói, tôi luôn bí mật chọn một chiếc để đặt vào đó vài cành lá rau ngò rí ngoài mặt bánh, nơi tiếp giáp với lá dong. Khi bánh chín, bóc ra, những lá rau mùi vẫn còn nguyên hình dạng và trở thành hoa văn mềm mại, tô điểm cho chiếc bánh thêm duyên và thêm phần thú vị. Bánh chưng không chỉ sử dụng trong gia đình mà còn đem đến nhà thờ họ thắp hương cho tổ tiên hay biếu tặng người thân. Ai nhận được chiếc bánh có nhánh ngò rí, xem như có được lộc lá và điều may đầu năm mới. Ấy là tôi nghĩ vậy, rồi tủm tỉm cười bởi chính trò chơi của mình.

Rất khó có thể bỏ qua khi bắt gặp những bó rau ngò rí nho nhỏ, xanh mướt được cuốn trong lá chuối và bó bằng cọng rơm vàng ở chợ quê mỗi sớm đẫm sương. Chỉ cần chạm vào rau mùi - ngò rí, dù là xanh non tơ, hay đang lấm tấm hoa trắng hoặc ngả màu cỏ khô… là tôi đã được chạm vào Tết. Chả thế mà, với tôi, rau mùi - ngò rí ngày Tết cũng chính là mùi Tết với tất cả sự ngất ngây và rực rỡ.