Một số tỏ ra lo ngại rằng, với tình hình đại dịch đang bùng phát ở Việt Nam như hiện nay thì tiêm dịch vụ không đảm bảo công bằng trong tiếp cận vắc-xin của người dân, người nghèo sẽ bị thiệt thòi, không được bảo vệ. Tuy nhiên, trên nhiều diễn đàn, vấn đề triển khai tiêm vắc-xin COVID-19 dịch vụ dường như là mong muốn của không ít người dân. Phần lớn các ý kiến và bình luận đều cho rằng, chỉ có tiêm dịch vụ mới có thể thúc đẩy nhanh tốc độ phủ vắc-xin trên cả nước để hướng đến mục tiêu miễn dịch cộng đồng.
Thực tế, các bạn tôi làm doanh nghiệp tư nhân, không nằm trong các diện ưu tiên tiêm vắc-xin của Chính phủ nói rằng, kể từ khi dịch bùng phát lần thứ 4, vợ chồng anh đã rất muốn được tiêm chủng để bảo vệ mình, tuy nhiên đăng ký cả trên website và phiếu do phường đưa xuống, đến nay đã gần 2 tháng nhưng vẫn chưa thấy gọi. "Có vắc-xin để tiêm dịch vụ là điều mà chúng tôi mong mỏi hơn bao giờ hết trong bối cảnh dịch COVID đang diễn biến phức tạp hiện nay", bạn tôi chia sẻ.
Còn đối với người nghèo, hay người yếu thế trong xã hội, thực tế là Chính phủ vẫn đang quan tâm, ưu tiên và bảo vệ. Người thuộc diện này đang được tiêm vắc-xin COVID-19 chỉ sau một số nhóm đối tượng được ưu tiên như tuyến đầu chống dịch hay người có nguy cơ cao…
“Đừng nghĩ cho phép triển khai tiêm vắc-xin dịch vụ thì người nghèo bị bỏ lại phía sau. Nếu những người có điều kiện hơn không cần sử dụng ngân sách, thì người nghèo sẽ có cơ hội được Nhà nước hỗ trợ một cách toàn diện hơn. Vì thế, cho phép tiêm vắc-xin COVD-19 dịch vụ là chủ trương đúng đắn, ai khó khăn nhà nước hỗ trợ, ai có điều kiện thì tự lo, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước”, giám đốc một bệnh viện công nêu quan điểm.
Cuộc thăm dò ý kiến đang được nhiều tờ báo tiến hành, nội dung liên quan đến việc “Cần sớm cấp phép vắc-xin nội hay nên mở thêm loại hình tiêm vắc-xin dịch vụ”, phần lớn ý kiến vẫn chọn phương án cho phép tiêm dịch vụ. Theo tôi, điều này cũng không có gì ngạc nhiên, khi con người ta ai cũng muốn được lựa chọn dịch vụ và sản phẩm tốt nhất cho sức khoẻ của chính mình.
Tại Việt Nam, vắc-xin phòng một số bệnh từ trước đến nay vẫn được tiến hành song song cả trong chương trình tiêm chủng mở rộng miễn phí cho người dân và tiêm dịch vụ. Để tăng nhanh nguồn cung, đa dạng hoá nguồn vắc-xin, tăng thêm nguồn lực tài chính cho quốc gia, chủ chương tiêm dịch vụ cũng là điều hợp lý.
Tiêm vắc-xin dịch vụ, cũng như khám chữa bệnh dịch vụ vậy, ngoài việc giúp người dân có cơ hội tiếp cận vắc-xin sớm và theo mong muốn, nó sẽ giúp giảm gánh nặng ngân sách cho nhà nước. Đó là chưa kể, việc làm này sẽ giảm được nhiều tiêu cực bởi cơ chế xin cho, nhờ vả, gây ra nhiều điều tiếng trong phân bổ vắc-xin thời gian qua.