Cụ thể, tính đến ngày 18/7, đã có khoảng 6.100 ha lúa bị ngập, tập trung ở các huyện Tĩnh Gia, Đông Sơn, Triệu Sơn, Hoằng Hóa; gần 900 ha hoa màu, 102 ha nuôi trồng thủy sản tại huyện Tĩnh Gia và TP Sầm Sơn bị ngập; có 465 hộ dân, 16 điểm dân cư bị ngập, 1 ngôi nhà bị đổ sập.
Trên nhiều tuyến đường giao thông lớn của tỉnh, như Quốc lộ 15C, Quốc lộ 217, đường tỉnh 114 (từ Cầu Thiều đi Thượng Ninh), đường tỉnh 512D (từ thị trấn Mường Lát đi xã Mường Lý) bị sạt ta luy ở nhiều điểm. Riêng tuyến đường Tuần tra biên giới bị sạt lở tại 90 vị trí với tổng khối lượng sạt lở khoảng 12.800 m3.
Ông Trần Xuân Lờ - Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương cho biết: Mấy ngày qua, do trời mưa to khiến diện tích dưa hấu, khoai lang và hoa màu của bà con trong xã tập trung canh tác ở khu vực thôn Tân đã bị ngập úng.
Theo thống kê của UBND xã, số diện tích dưa hấu và hoa màu của người dân tập trung canh tác ở khu vực thôn Tân là gần 20 ha với 53 hộ dân tham gia canh tác đã bị nước nhấn chìm. Người dân đang tranh thu ra đồng thu hoạch dưa và khoai lang về nhà. Nhưng số dưa này cũng khó có thể bán cho ai. UBND xã đang làm báo cáo tổng hợp thiệt hại do thiên tai gây ra để trình lên huyện, có hướng hỗ trợ cho người dân.
Được biết, mỗi năm bình quân mỗi sào (500m2 ) dưa hấu ở xã Quảng Nham cho thu hoạch khoảng 3 tấn/vụ. Với giá bán bình quân tại ruộng khoảng 4.000 – 5.000 đồng/kg thì mỗi sào dưa hấu, người trồng dưa cũng thu về hơn chục triệu đồng mỗi vụ. Như vậy, với diện tích gần 20 ha dưa hấu, khoai lang và hoa màu đã bị ngập nước gây thiệt hại về kinh tế khá lớn cho người dân.
Tại xã Lũng Niêm, huyện miền núi Bá Thước, do mưa lớn kéo dài, nguy cơ sạt lở đất rất cao, xuất hiện hiện tượng lún, nứt, chính quyền địa phương đã tổ chức di dời những hộ dân có nguy cơ sạt lở cao ra các khu vực trung tâm, gần đường giao thông chính để dựng lán ở tạm.
Hiện nay, mưa vẫn đang diễn ra trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Trước đó, chiều tối 17/7, tại cuộc họp phòng, chống bão số 3, ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa cho biết nhiều đoàn công tác đã đến các địa phương chỉ đạo triển khai các giải pháp ứng phó với bão, lũ. Các công ty khai thác công trình thủy lợi đã tích cực triển khai thực hiện việc tiêu nước đệm để bảo vệ diện tích lúa và hoa màu. Đến 16 giờ ngày 17/7, 100% phương tiện tàu thuyền của tỉnh (7.410 phương tiện với 27.589 lao động) đã được kêu gọi vào nơi trú ẩn an toàn.
Theo đó, phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền yêu cầu các thành viên của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn phải sát sao, chỉ đạo các địa phương triển khai các biện pháp phòng chống thiên tai theo sự phân công. Các địa phương ven biển cùng lực lượng Bộ đội Biên phòng phải tiến hành “cấm biển”, tuyệt đối không cho phương tiện nào ra khơi; với các tàu du lịch, cũng phải kịp thời yêu cầu đi tránh trú sâu vào đất liền.
Các địa phương triển khai cho các chủ lồng bè nuôi trồng thủy sản chằng chống an toàn, đồng thời kiên quyết không để người trên các chòi canh khi bão đổ bộ; khẩn trương triển khai phương án sơ tán dân ở vùng ven biển, ven sông, vùng có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét đến nơi an toàn, sẵn sàng thực hiện phương án sơ tán dân ven biển khi có lệnh. Ngành Nông nghiệp cùng các địa phương chú trọng công tác bảo đảm an toàn cho các hồ chứa, những hồ không bảo đảm an toàn thì tuyệt đối không tích nước.
Các công ty thủy nông và các địa phương tăng cường các biện pháp tiêu úng, ngoài vận hành các trạm bơm tiêu, cứ có chênh lệch nước đồng cao hơn nước sông là tháo các cống tiêu. Các ngành, đơn vị liên quan có trách nhiệm chuẩn bị phương tiện, lực lượng cứu hộ, cứu nạn, luôn đặt trong tình trạng sẵn sàng chờ lệnh...