Mưa lũ trái mùa, miền Trung méo mặt

Lũ dâng cao làm ngập đường vào Trường Tiểu học số 1 Lộc Trì, Phú Lộc, TT-Huế. Ảnh: Ngọc Văn
Lũ dâng cao làm ngập đường vào Trường Tiểu học số 1 Lộc Trì, Phú Lộc, TT-Huế. Ảnh: Ngọc Văn
TP - Lần đầu tiên, mưa lũ, ngập lụt diễn ra đầu mùa khô ở nhiều địa phương miền Trung, cô lập hàng nghìn hộ dân, tàn phá lúa, hoa màu, công trình thủy lợi… trên diện rộng.

Quảng Ngãi: 400 hộ dân bị cô lập

Ngày 27/3, ông Huỳnh Thương, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi, cho biết, sáng cùng ngày, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh phối hợp huyện Ba Tơ huy động hơn 200 đồng bào tham gia mở đường lên vùng bị cô lập do mưa trái mùa.

Theo ông Thương, do mưa trái mùa kéo dài, nên con đường nối lên xã Ba Nam của huyện đã bị cô lập, hàng ngàn khối đất, đá đổ xuống mặt đường, thiệt hại về cơ sở hạ tầng là rất lớn. Hơn 400 hộ dân với khoảng 1.600 nhân khẩu của xã Ba Nam hoàn toàn bị cô lập. Do mưa trái mùa, nên cơ sở hạ tầng, hoa màu của huyện bị thiệt hại rất nặng, hiện chưa thể thống kê hết.

Quảng Nam: Nguy cơ mất trắng hoa màu

Cùng ngày, ông Nguyễn Văn Quang, Phó phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, cho biết, 70ha hoa màu bị ngập sâu trong nước do mưa trái mùa đột ngột. Mưa lớn từ ngày 25/3 khiến nước các sông Vu Gia, Thu Bồn dâng cao, làm ngập diện tích lớn hoa màu, chủ yếu là dưa hấu (30ha), còn lại là lạc, bí đỏ…

Sáng 27/3, 6ha hoa màu bên nhánh sông Thu Bồn bị ngập. Các xã Đại Nghĩa, Đại Cường, Đại Minh, Đại Phong nằm trong nhánh sông Vu Gia, trồng chủ yếu dưa hấu đều bị ngập sâu. Riêng tại xã Đại Thạnh có 6,7ha lúa giống giáp sông Thu Bồn bị ngập hoàn toàn trong nước. Lượng mưa ở huyện Hiệp Đức rất lớn, mực nước đo được đến 353mm, đổ về các nhánh sông Thu Bồn nên ngập lại càng sâu.

Ông Đặng Văn Lộc - Phó Chủ tịch xã Đại Nghĩa, cho biết: “Năm 1990 từng xảy ra tình trạng này nhưng hồi đó có bão nên ngập. Còn diễn biến thời tiết như năm nay đây là lần đầu tiên, thiệt hại của bà con lên đến hàng trăm triệu”. Nhiều người trồng dưa hấu đã nhận tiền đặt cọc nhưng đến nay dưa chết do ngập, thiệt hại rất lớn.

Hiện tại, Phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc phối hợp các xã, ban, ngành liên quan chủ động thông báo cho người trồng nắm bắt diễn biến thời tiết thay đổi đột ngột. “Tôi sợ rằng mưa lớn vài ngày nữa thì có nguy cơ chết luôn, tổng diện tích dưa hấu ven sông trên 50ha có nguy cơ mất trắng”, ông Quang lo lắng. Sản lượng dưa năm ngoái đạt gần 200 tấn trên tổng diện tích trồng hơn 100ha toàn huyện.

Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quảng Nam, tổng lượng mưa trên địa bàn tỉnh những ngày qua phổ biến ở mức 20-50 mm, một số nơi mưa to như: Tiên Phước 238 mm, Hiệp Đức 275 mm, Nông Sơn 192 mm… khiến mực nước trên các sông đang lên, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở miền núi. Huyện Đại Lộc đã đề nghị các nhà máy thủy điện phía thượng nguồn tạm ngừng phát điện để điều tiết nguồn nước hạ du, bảo vệ mùa màng cho người dân.

Ngày 27/3, mưa lớn trên diện rộng, sóng biển động mạnh đã làm hàng chục mét bờ biển Cửa Đại, TP Hội An, Quảng Nam sạt lở nghiêm trọng. Ông Nguyễn Văn Dũng- quyền Chủ tịch UBND thành phố Hội An, cho biết: “Hiện tại, nước biển xâm lấn, ăn sâu hơn 5m, nhất là chỗ giao nhau giữa khu vực bãi tắm phần được kè với các hộ
kinh doanh”.

Mưa lũ trái mùa, miền Trung méo mặt ảnh 1

Nước sông ở xã Đại Nghĩa, Đại Lộc, Quảng Nam vẫn tiếp tục lên. Ảnh: Nguyễn Trang

UBND thành phố Hội An đã huy động mỗi ngày 300 dân quân tham gia kè mềm bằng bao cát chạy dọc bãi biển nhất là đối với các đoạn xung yếu. Việc kè mềm sẽ được thực hiện với chiều dài 60-80m. Đây chỉ là biện pháp tạm thời trước mắt, việc thực hiện kè lâu dài cần chờ nhà nước xem xét cấp vốn. Trước đó, biển Cửa Đại sau trận mưa lớn hồi tháng 10/2014 đã được kè mềm, kè chắn lá sen. Tuy nhiên sau vài ngày mưa trở lại đây, biển vẫn tiếp tục sạt lở.

TT-Huế: Thiệt hại hàng chục tỷ đồng

Mưa lớn liên tục từ chiều tối 26 đến sáng 27/3 tại vùng nam huyện Phú Lộc và huyện Quảng Điền (tỉnh TT-Huế) gây ra tình trạng ngập lụt chưa từng có vào thời điểm đầu mùa khô, khiến hàng nghìn hộ dân bị ảnh hưởng, giao thông tê liệt, lúa thời kỳ trổ bông và hoa màu úng bùn, nhiều công trình thủy lợi, hàng quán phục vụ du lịch bị cuốn trôi… Thiệt hại vật chất lên đến hàng chục tỷ đồng.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh TT-Huế, với lượng mưa đo được ở mức kỷ lục hơn 500mm trên diện rộng thuộc nhiều xã, thị trấn khu vực phía nam huyện Phú Lộc, đây là cơn lũ lớn trái mùa chưa từng có trong lịch sử khí tượng thủy văn tỉnh này. Ông Trần Văn Hữu, Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy, cho biết, mưa lớn đã gây chia cắt hoàn toàn 3 thôn Thủy Cam, Thủy Yên Thượng, Thủy Yên Hạ trong tối 26 và ngày 27/3, gây ngập hàng trăm héc-ta vườn tược, hoa màu, lúa… của trên 500 hộ dân. Việc đi lại của 900 gia đình thuộc 3 thôn hoàn toàn tê liệt. Địa bàn này có 2 đập thủy lợi nhỏ là Trà Vó, Ba Đội cũng bị lũ cuốn trôi.

Tại xã Lộc Tiến, lũ ảnh hưởng hai thôn Thủy Tụ và Thủy Dương, hơn 20 hàng quán, sạp nghỉ ở khu du lịch suối Voi bị hư hại trong đó, hơn 10 hàng quán ven suối bị lũ cuốn trôi hoàn toàn. Ngày 27/3, mức lũ đo được trên các tuyến giao thông qua thôn Hòa Mậu, Cao Đôi Xã (xã Lộc Trì) và Tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Lộc) dao động ở mức 0,5m đến 0,7m. Việc đi lại của gần 1.000 hộ dân 3 khu vực kể trên gần như tê liệt trong nhiều giờ. Lũ lớn bất thường còn ảnh hưởng việc học hành của hàng nghìn học sinh vùng nam Phú Lộc; nhiều trường phải đóng cửa để tránh lũ. Nhiều đoạn Quốc lộ 1A qua huyện này cũng bị ngập sâu từ 0,3m đến 0,4m.

Ngoài Phú Lộc, nhiều địa phương phía bắc TT-Huế cũng bị ảnh hưởng, thiệt hại do mưa lớn và tác động điều tiết xả lũ đột ngột của thủy điện Hương Điền vùng thượng nguồn sông Bồ. Trong đó, thiệt hại nặng nhất là huyện vùng trũng Quảng Điền, chủ yếu về sản xuất nông nghiệp.

Đến chiều 27/3, theo thống kê ban đầu của Phòng NN&PTNT huyện, toàn vùng có hơn 600 ha lúa, 60 ha hoa màu bị ngập trong lũ. Đặc biệt, nhiều diện tích lúa đang trong thời kỳ trổ bông, ngậm sữa đã bị úng bùn, ngâm lũ, coi như mất trắng. Nhiều diện tích rau, lạc, khoai, sắn cũng bị thối, hỏng do ngập lũ. Giá trị thiệt hại ban đầu ước khoảng 35 tỷ đồng. Do bị ngập sâu từ 0,5m đến 0,8m, các tuyến tỉnh lộ qua xã Quảng An, Quảng Phước, Quảng Thành nối huyện Quảng Điền với nhiều địa phương khác vẫn bị lũ chia cắt, giao thông đường bộ tê liệt, chỉ một số đò ghe của dân có thể đi lại được.

Quảng Trị: Nước thượng nguồn ào về

Theo Văn phòng UBND huyện Hải Lăng, điều bất thường lần đầu tiên xảy ra ở địa phương này là khoảng 3 giờ sáng 27/3, nước từ thượng nguồn sông Ô Lâu và Thác Ma dâng cao, đổ về vùng đồng bằng thuộc các xã Hải Hòa, Hải Thọ, Hải Tân, Hải Dương, làm nước ở các sông dâng cao, tràn vào xóm làng, đồng lúa.

Nhận được tin báo của người dân, Phòng NN&PTNT huyện phối hợp chính quyền địa phương đóng các cống điều tiết, ngăn nước tiếp tục xâm nhập vào đồng ruộng... Nước lũ đang rút, chỉ còn một số diện tích lúa ở ngoài đê bị ngập.

Trên địa bàn, mưa không lớn nhưng do mưa ở thượng nguồn quá lớn, nên nước từ thượng nguồn đổ về mạnh làm nước sông dâng cao, không thoát kịp, gây ngập úng. Người dân địa phương rất lo lắng trước trận lũ sớm này do thông thường lũ chỉ đến sau 10/3 âm lịch, khi vụ lúa  đông - xuân đã thu hoạch xong.

MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.
Ba tân Phó giáo sư 9X gồm: Nguyễn Hoàng Chung, Vũ Thu Trang và Trần Ngọc Mai (từ trái qua phải)
Chân dung các tân phó giáo sư 9X
TPO - Ngoài tân phó giáo sư (PGS) trẻ nhất năm 2024 Trần Ngọc Mai (sinh năm 1991, Hà Nam), còn 3 ứng viên khác trở thành PGS trẻ thuộc thế hệ 9X gồm: PGS Nguyễn Hoàng Chung (1990, Bình Định), công tác tại Trường ĐH Thủ Dầu Một; PGS Nguyễn Thị Hoa Hồng (1990, Hà Nam), công tác tại Trường ĐH Ngoại thương; PGS Vũ Thu Trang (1990, Hải Phòng), công tác Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.