Mưa lũ ở miền Trung, Tây Nguyên gây thiệt hại 7.200 tỷ đồng

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu xem xét lại quy trình xả lũ của các hồ chứa, để đảm bảo an toàn cho hạ du. Ảnh: Phạm Anh
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu xem xét lại quy trình xả lũ của các hồ chứa, để đảm bảo an toàn cho hạ du. Ảnh: Phạm Anh
TPO - Các đợt mưa lũ trong tháng 10, đầu tháng 11/2016 vừa qua ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên đã làm 65 người chết và mất tích; tổng thiệt hại ước tính khoảng 7.200 tỷ đồng.

Sáng 2/12, tại hội nghị rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai cho biết: Từ giữa tháng 10/2016 đến nay, khu vực miền Trung và Tây nguyên đã có 4 đợt mưa lũ lớn trên diện rộng, trong đó đặc biệt là 2 đợt mưa lũ vào giữa tháng 10 và đầu tháng 11/2016.

Hai đợt mưa lũ vừa qua đã làm, 65 người chết và mất tích, trên 191.00 nhà bị ngập nước, gần 22.200 ha lúa bị ngập, hư hại... Tổng thiệt hại về vật chất ước tính trên 7.198 tỷ đồng.

Trong đó, đang lưu ý, đợt mưa từ từ 13-18/10, từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế đã có mưa to đến rất to, đặc biệt ở Mai Hóa (Quảng Bình) mưa 949mm, Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) 932mm. Mưa lớn đã làm xuất hiện một đợt lũ trên hệ thống sông và gây ngập lụt trên diện rộng tại các tỉnh Bắc Trung bộ.

Đặc biệt tại Hà Tĩnh và Quảng Bình, lũ trên sông Ngàn Sâu và sông Gianh lên trên báo động 3 từ 2-3m (xấp xỉ lũ lịch sử); phía Nam tỉnh Hà Tĩnh và phía Bắc tỉnh Quảng Bình ngập sâu tới 4-5m, thời gian ngập kéo dài từ 3-4 ngày.

Trong khi đó, ở đợt mưa thứ 2, do ảnh hưởng của không khí lạnh và hoàn lưu của áp thấp nhiệt đới, từ ngya 30/10-7/11, khu vực Trung bộ và Tây Nguyên đã có mưa to đến rất to, mưa dịch chuyển dần từ Bắc vào Nam.

Trước tình hình đó, Chính phủ các bộ ngành kịp thời hỗ trợ các địa phương. Theo đó, Chính phủ đã xuất cấp hơn 4.400 tấn lương thực, 400.000 viên Cloramin B, 200 cơ số thuốc hỗ trợ 4 tỉnh Thanh Hóa Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Trình Chính phủ hỗ trợ 305 tỷ đồng cho 14 tỉnh bị thiệt hại trong 2 đợt lũ vừa qua và 2.016 tấn lúa giống, 325 tấn ngô, 58 tấn rau.

Theo Ban chỉ đạo TƯ về Phòng chống thiên tai, sau 2 đợt mưa lũ vừa qua, các hồ chứa thủy lợi khu vực miền Trung đã cơ bản đầy nước. Các tỉnh Bắc Trung Bộ: Trung bình đạt từ 80-90% dung tích thiết kế.

Còn ở các tỉnh Nam Trung bộ trung bình đạt từ 75- 95% dung tích thiết kế. Riêng tại các tỉnh Đà Nẵng và Bình Định, các hồ đạt lần lượt 75% và 68% dung tích thiết kế.

Thời điểm cao nhất đã có 49 hồ chứa có cửa van khu vực miền Trung đã phải xả tràn, tuy nhiên lưu lượng xả nhỏ so với lưu lượng xả lũ thiết kế.

Còn hồ chứa thủy điện, sau 2 đợt mưa lũ, hầu hết các hồ chứa thủy điện lớn khu vực miền Trung, Tây Nguyên đã đạt 80-90% dung tích thiết kế. Thời điểm cao nhất đã có 29 hồ phải xả lũ, một số hồ chứa xả lũ với lưu lượng lớn nhất đạt tới trên 11.000 m3/s (hồ sông Ba Hạ, tỉnh Phú Yên).

Theo Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai, tình hình thiên tai đặc biệt là bão, mưa lũ đang có những diễn biến phức tạp, cực đoan và bất thường đối với khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu các địa phương, sau khi khi vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh, các địa phương tiếp tục huy động các lực lượng khôi phục các công trình thiết yếu, hỗ trợ nhân dân khôi phục nhà cửa, sản xuất sớm ổn định đời sống.

Cùng đó, tổ chức điều tra vết lũ, nhận dạng lũ; đánh giá ảnh hưởng, tác động tới đời sống, cơ sở hạ tầng vùng hạ du của các hồ chứa thủy điện, thủy lợi trong 2 đợt mưa lũ vừa qua, đề xuất trình Chính phủ giải pháp căn cơ đảm bảo phòng, chống lũ an toàn, phù hợp với từng giai đoạn hiện nay.

Tăng cường quản lý, giám sát xả lũ các hồ chứa, đồng thời điều chỉnh phù hợp với thực tế để đảm bảo tích nước, phục vụ sản xuất năm 2017.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, cần nâng cao công nghệ dự báo bao gồm hệ thống quan trắc, rada, lưới trạm khí tượng thủy văn, nhất là tại các vùng địa hình phức tạp, chia cắt để đáp ứng yêu cầu của công tác dự báo mưa lũ ngày càng đòi hỏi phải chính xác và kịp thời hơn.

Huy động các nguồn lực hợp pháp trong xã hội để tăng các trạm đo mưa, mực nước tự động tại cộng đồng, nhất là đối với các vùng thường xuyên bị ngập lũ, sạt lở đất đá.

MỚI - NÓNG